Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Tầng lớp quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài

2020-10-29

ⓒ KBS

Tháng 11/2018, cựu Đại sứ tạm quyền của Bắc Triều Tiên tại Ý Jo Song-gil cùng gia đình đột ngột mất tích khi gần hết nhiệm kỳ. Ngay sau đó, xuất hiện thông tin quan chức này đang ẩn trốn ở một nước thứ ba. Đầu tháng 10/2020, ông Jo được xác nhận là đã chạy sang Hàn Quốc. Được biết, ông Jo là nhà ngoại giao cấp cao Bắc Triều Tiên thứ hai đào thoát sang Hàn Quốc kể từ sau vụ cựu Công sứ miền Bắc tại Anh Thae Yong-ho chạy trốn tháng 8/2016. Ông Jo cũng là nhân vật cấp Đại sứ đầu tiên bỏ trốn ra nước ngoài kể từ sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền. Sau đây, luật sư Oh Hyun-jong sẽ cho chúng ta biết thêm về việc một số nhà ngoại giao miền Bắc bỏ trốn khi đang thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.


Các trường hợp giới ngoại giao Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài


Nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đầu tiên đào thoát ra nước ngoài là Ko Young-hwan, cựu Thư ký của Đại sứ quán miền Bắc tại Congo. Sau khi chạy trốn sang Hàn Quốc tháng 6/1991, ông Ko được giữ chức Phó Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia (INSS) thuộc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS). Tháng 1/1996, cựu Thư ký tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Zambia Hyon Song-il cũng cùng vợ bỏ trốn sang Hàn Quốc. Cuộc đào thoát của ông Hyon và gia đình đã trở thành một tin tức gây sốc vào thời điểm đó, vì cha ông là một quan chức cấp cao của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Gần đây hơn, năm 2016, cựu Công sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Thae Yong-ho cũng đào tẩu sang Hàn Quốc. Tháng 4/2020, ông trở thành người đào thoát khỏi miền Bắc đầu tiên giành được một ghế nghị sĩ tại Quốc hội Hàn Quốc.

Ngoài Hàn Quốc, một số quan chức ngoại giao miền Bắc cũng đã chạy trốn sang một nước thứ ba khác. Cựu Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ai Cập Jang Sung-gil cùng anh trai và gia đình đã đào thoát sang Mỹ tháng 8/1997. Đây là lần đầu tiên một nhà ngoại giao cấp cao miền Bắc bỏ trốn sang một nước phương Tây, gây chấn động lớn và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi đó.


Lí do đào thoát của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên


Các nhà ngoại giao làm việc ở nước ngoài là tầng lớp được hưởng đặc quyền trong xã hội Bắc Triều Tiên và rất được người dân trong nước ngưỡng mộ vì được trải nghiệm thế giới bên ngoài. Khi sống tại các quốc gia khác, theo lẽ tất nhiên họ sẽ biết được cách thức vận hành của nền dân chủ và nền kinh tế thị trường, nên có sự so sánh giữa hiện thực của miền Bắc với các nước phương Tây. Ngoài ra, dưới chính quyền Kim Jong-un, các nhà ngoại giao nhận ra thực tế phủ phàng ở miền Bắc, nơi người dân phải chịu hành hạ hoặc mất mạng bởi sự kìm kẹp và đàn áp của chính quyền. Cho rằng thực tế sẽ không dễ dàng thay đổi, họ chọn con đường sống ở các quốc gia khác. Cùng với đó, những người này cũng lo lắng về việc học hành và tương lai của con cái do chúng có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi lại với xã hội Bắc Triều Tiên nếu về nước. Thêm vào đó, các nhà ngoại giao miền Bắc cho biết dù thuộc giới thượng lưu trong xã hội, nhưng họ vẫn bị đối xử và làm việc trong môi trường rất kém.


Cách Chính phủ Bắc Triều Tiên đối phó với các cuộc đào thoát của quan chức cấp cao


Chính quyền Bình Nhưỡng không thể không cảnh giác về cách người dân trong nước và cộng đồng quốc tế nhìn nhận về các vụ bỏ trốn liên tiếp của các nhà ngoại giao nước này. Sau khi ông Thae Yong-ho chạy trốn sang Hàn Quốc năm 2016, miền Bắc đã tăng cường giám sát các khu vực biên giới Trung-Triều để ngăn người dân đào thoát. Sau khi anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Jong-nam bị ám sát ở Malaysia tháng 2/2017, Bình Nhưỡng đã chỉ thị các nhà ngoại giao và nhân viên thường trú ở nước ngoài giám sát lẫn nhau và thông báo nếu thấy bất kỳ ai có dấu hiệu đào tẩu.

Bắc Triều Tiên hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào về việc cựu Đại sứ tạm quyền tại Ý Jo Song-gil đào thoát đến Hàn Quốc. Nhiều người lo ngại việc nhà ngoại giao cấp cao miền Bắc chạy trốn sang miền Nam có thể ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều vốn đang căng thẳng. Trong bối cảnh hiện tại, việc các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tiếp tục đào thoát là khó tránh khỏi, trừ khi chính quyền miền Bắc có sự thay đổi cơ bản về thể chế.

Tin mới nhất