Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Chính sách thần tượng hóa lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên

2020-11-19

ⓒ KBS News

Năm 2021 là tròn 10 năm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền và miền Bắc có vẻ đang cố gắng củng cố sự sùng bái của người dân đối với nhà lãnh đạo Kim. Ngày 23/10, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đưa tin cho biết Đoàn sáng tác văn học 15/4 đã phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tiên nêu bật những thành tựu to lớn của Chủ tịch Kim Jong-un mang tên “Phục hưng”. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chính sách mà Chính phủ Bắc Triều Tiên áp dụng nhằm thần tượng hóa các nhà lãnh đạo.

 

Động thái thần tượng hóa lãnh đạo của Bắc Triều Tiên gần đây

Theo báo Lao động miền Bắc, cuốn tiểu thuyết “Phục hưng” cho thấy sức mạnh của sự chấn hưng quốc gia nằm ở nguồn nhân lực cùng sự coi trọng và không ngừng phát triển giáo dục để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ mới. Trong đó, Chủ tịch Kim Jong-un được mô tả là một nhà lãnh đạo vĩ đại không tiếc công sức hỗ trợ và bồi dưỡng nhân tài ngành giáo dục, những người đã cống hiến cả cuộc đời để đào tạo thế hệ tương lai. Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên về nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục phát hành chân dung, huy hiệu và tiền giấy in hình ông Kim.

 

Sự sùng bái của người dân Bắc Triều Tiên với hai cố lãnh đạo

Dưới thời hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thần tượng hóa nhân cách các nhà lãnh đạo một cách rõ ràng và có hệ thống. Họ được mô tả là những người có sức mạnh siêu nhiên và được ca ngợi qua các bài thơ, bài văn trong sách giáo khoa quốc ngữ và tiếng Anh cũng như các bài hát trong sách âm nhạc. Được thấm nhuần tư tưởng này ngay từ khi còn nhỏ, nhiều người dân Bắc Triều Tiên thực sự tôn thờ và sùng bái các nhà lãnh đạo của họ. Ở miền Bắc cũng có một số hướng dẫn liên quan đến nhà lãnh đạo tối cao mà người dân phải tuân theo. Ví dụ, khi bị cháy nhà, người dân phải bảo vệ ảnh chân dung nhà lãnh đạo trước những đồ vật có giá trị khác. Mặc dù có thể bị thương hoặc thậm chí phải bỏ mạng, họ vẫn phải liều mình bảo vệ ảnh của lãnh đạo, nếu không sẽ bị trừng phạt hoặc bị xử tử trong trường hợp xấu nhất. Nếu một người tình cờ chụp ảnh tượng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hoặc Kim Jong-il, người đó phải cực kỳ cẩn thận không được để một phần nhỏ của bức tượng, dù chỉ là một milimet, bị cắt ra. Khi viết tên các nhà lãnh đạo, người dân Bắc Triều Tiên không được xuống dòng mới vì nếu làm vậy tên sẽ được viết thành hai dòng. Khi đặt tên con, họ cũng tránh đặt tên trùng hoặc tương tự với tên nhà lãnh đạo nhằm tránh phạm húy và thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối.

 

Thay đổi trong chính sách quảng bá bản thân của ông Kim Jong-un

Thiên tai và COVID-19 đã khiến nền kinh tế Bắc Triều Tiên vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm các khu vực bị lũ lụt hoặc sạt lở đất để an ủi người dân địa phương và hướng dẫn các quan chức thực hiện công tác khắc phục nhanh chóng. Có vẻ ông Kim thích tự mình tiếp cận người dân hơn là củng cố sự thần tượng hóa bản thân. Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Bắc Triều Tiên 10/10, Chủ tịch Kim Jong-un đã xin lỗi người dân và thậm chí rơi nước mắt, một điều chưa từng thấy ở cha và ông nội ông. Nhiều nhà phân tích đồng tình rằng nhà lãnh đạo Kim đã thẳng thắn thể hiện khía cạnh con người của mình khi thể hiện sự xúc động, thương cảm cho những người dân đang gặp khó khăn về kinh tế và sự thất vọng vì không cải thiện được sinh kế cho họ.

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng từ bỏ mục đích thần tượng hóa nhà lãnh đạo. Các nhà phân tích tin rằng sự sùng bái tại miền Bắc đã vượt qua mức độ chính sách và tiến vào giai đoạn ca ngợi lãnh đạo.

 

Hiệu quạ thực sự của chính sách thần tượng hóa lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên

Hiệu quả của chính sách tôn sùng nhà lãnh đạo có thể sẽ giảm đi. Ở Bắc Triều Tiên, hơn 5 triệu người sử dụng điện thoại di động và hầu như khó có thể chặn thông tin từ bên ngoài. Trên thực tế, thế hệ trẻ luôn hoài nghi về sự “thần tượng hóa” các nhà lãnh đạo. Theo một người đào tẩu miền Bắc tên Park Yeon-mi (sinh năm 1993, ở huyện Hyesan, tỉnh Ryanggang), cô và bạn bè chỉ đơn giản làm những gì được yêu cầu khi còn ở Bắc Triều Tiên chứ không thực sự trung thành với chế độ. Cô cho biết những người hát những bài ca ngợi chế độ thậm chí còn bị cười nhạo và tẩy chay. Dù xã hội miền Bắc có khép kín đến đâu, thời thế cũng đã thay đổi. Chính sách thần tượng hóa có thể đã thành công dưới thời hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, nhưng mọi thứ đã khác dưới thế hệ lãnh đạo thứ ba.

Dư luận đang quan tâm đến việc Chủ tịch Kim Jong-un sẽ thúc đẩy sự sùng bái bản thân như thế nào trong năm thứ 10 nắm quyền lãnh đạo, sau khi đã củng cố quyền lực của mình đến mức có thể yên tâm chuyển giao một phần quyền lực cho đảng và Nội các. Sử dụng hình ảnh của những người tiền nhiệm và làm nổi bật những thành tựu của bản thân, ông Kim sẽ phải đắn đo suy tính cách trở thành một nhà lãnh đạo lý tưởng của nhân dân.

Tin mới nhất