Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Thư viện tại Bắc Triều Tiên

2021-03-25

ⓒ Getty Images Bank

Ngoài vai trò là kho lưu trữ văn minh nhân loại và thước đo văn hóa xã hội, tại Bắc Triều Tiên, các thư viện còn là phương tiện quan trọng để củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong số phát sóng “Cận cảnh Bắc Triều Tiên” tuần này và tuần sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các thư viện của miền Bắc. Sau đây, luật sư Oh Hyun-jong sẽ cho chúng ta biết thêm về lịch sử các thư viện tại Bắc Triều Tiên.

 

Lịch sử các thư viện Bắc Triều Tiên

Dưới thời thực dân Nhật Bản chiếm đóng, miền Bắc có ít thư viện hơn miền Nam, với 7 thư viện, trong đó lớn nhất là Thư viện phủ Bình Nhưỡng. Thư viện này mở cửa vào năm 1928 và trở thành thư viện có lượng sách đồ sộ thứ hai của bán đảo Hàn Quốc thời thuộc địa, sau Thư viện phủ Gyeongseong. Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, Thư viện phủ Bình Nhưỡng được cải tạo thành Thư viện thành phố Bình Nhưỡng và số lượng thư viện tại miền Bắc tăng lên nhanh chóng, với 35 thư viện và 717 phòng đọc sách vào năm 1946. Tuy có số thư viện ít hơn đáng kể so với Hàn Quốc, miền Bắc vẫn xây dựng được nhiều thư viện ấn tượng nhờ sự quan tâm đặc biệt của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

 

Lịch sử Thư viện trung ương quốc gia Bình Nhưỡng

Bắc Triều Tiên cải tạo và đổi tên Thư viện thành phố Bình Nhưỡng, hoạt động từ ngày 13/11/1945, thành Thư viện trung ương quốc gia Bình Nhưỡng vào năm 1946. Từ khi được đưa vào hoạt động, thư viện này bảo quản khoảng 35.000 đầu sách, bằng 12% tổng số sách của Thư viện quốc gia Seoul mở cửa năm 1945. Đến tháng 6/1950, số lượng sách của Thư viện trung ương quốc gia Bình Nhưỡng đã tăng 3,5 lần, tương đương 115.000 cuốn. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Triều Tiên, 60% số sách của thư viện này đã bị phá hủy. Sau chiến tranh, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ra lệnh cải tạo và mở cửa lại thư viện vào ngày 15/8/1954. Đến cuối năm 1954, miền Bắc cho xây thêm một tòa nhà phụ ba tầng rộng 720 mét vuông, đồng thời mở rộng phòng đọc gấp 1,5 lần và kho sách gấp hai lần. Số lượng tài liệu được cải thiện khiến cho số người sử dụng Thư viện trung ương quốc gia Bình Nhưỡng cũng tăng lên đáng kể, kéo theo việc phạm vi cho mượn sách cũng được mở rộng hơn.

 

Đặc điểm và biểu tượng của Đại học tập đường Nhân dân

Đại học tập đường Nhân dân mở cửa vào ngày 1/4/1982, cũng chính là sinh nhật lần thứ 70 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Thư viện này được thiết kế bởi các kiến trúc sư hàng đầu Bắc Triều Tiên và có hình ảnh được in trên mặt sau tờ tiền 5 won của miền Bắc, cho thấy ý nghĩa to lớn của nó. Đại học tập đường Nhân dân được xây trên trục trung tâm của Bình Nhưỡng sao cho hài hòa và mang tính biểu tượng cho Quảng trường Kim Nhật Thành cùng các tòa nhà xung quanh. Thư viện này được xây bằng 750.000 viên ngói màu xanh dương, màu sắc do chính cố Chủ tịch Kim Nhật Thành chọn. Càng lên cao màu của tòa nhà càng sẫm đi, tạo sự hòa hợp với màu xanh của bầu trời. Đây cũng là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết hướng tới tương lai với hình ảnh chim hạc sải cánh bay theo đàn. Tòa nhà được xây dựng với nguyên liệu bê tông cốt thép hiện đại với không gian bên trong là các công trình kiến trúc đa dạng làm nổi bật các đặc trưng của miền Bắc.

 

Quy mô Đại học tập đường Nhân dân

Dài 190m, rộng 150m và cao 64m, công trình 10 tầng này có tổng diện tích sàn 100.000 mét vuông, lớn hơn gấp ba lần so với Thư viện trung ương quốc gia Seoul. Nơi đây có thể bảo quản 30 triệu đầu sách và có sức chứa 12.000 người mỗi ngày, với 23 phòng đọc và 6.000 chỗ ngồi, 14 phòng học, một số phòng thông tin cùng trang thiết bị giáo dục hiện đại, bao gồm máy ghi âm, máy ghi hình, tivi và máy chiếu. Tất cả các công dân đủ 17 tuổi đều có thể làm thẻ ra vào. Mỗi tầng đều có một phòng chứa sách ở trung tâm, xung quanh là phòng đọc, giảng đường và phòng học. Khi đăng ký, sách sẽ được chuyển đến quầy bằng băng chuyền.

 

Đại học tập đường Nhân dân có chức năng như một trung tâm văn hóa xã hội

Với tên tiếng Anh là Grand People's study hall, Đại học tập đường Nhân dân được hiểu là nơi mà tất cả người dân Bắc Triều Tiên có thể tự do học tập. Bình Nhưỡng đã quảng bá nơi đây như một trung tâm văn hóa xã hội của đất nước, đồng thời thực hiện nhiều chương trình giáo dục khác nhau nhằm đưa nó thành một trung tâm học tập toàn diện cho người dân. Đại học tập đường Nhân dân cũng là cơ quan chỉ đạo các hoạt động thư viện trên khắp Bắc Triều Tiên, đồng thời lưu trữ gần 1 triệu cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ và thông tin để cung cấp cho Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành, Viện thông tin khoa học công nghệ trung ương, hàng trăm viện nghiên cứu khoa học, nhà máy và doanh nghiệp trên toàn quốc qua kết nối mạng máy tính.

Luật thư viện Bắc Triều Tiên quy định thư viện là địa điểm quan trọng cho việc học tập nhằm nâng cao tư tưởng và trình độ công nghệ của người dân, đồng thời là nơi phổ biến khoa học công nghệ mới, cho thấy vai trò quan trọng của các thư viện tại miền Bắc. Trong số phát sóng tuần sau, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các đặc điểm của thư viện và các thư viện điện tử ở Bắc Triều Tiên. Mời quý vị và các bạn đón nghe.

Tin mới nhất