Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Mỳ ăn liền tại Bắc Triều Tiên

2021-05-06

ⓒ Getty Images Bank

Mỳ ăn liền lần đầu tiên được sản xuất ở Hàn Quốc vào năm 1963. Một người Hàn Quốc trung bình ăn khoảng 70, 80 gói mỳ trong một năm, tương đương với ít nhất một gói mỗi tuần. Ở Hàn Quốc, có nhiều loại mỳ ăn liền đa dạng, chẳng hạn như mỳ cay vị hải sản, thịt bò, ngoài ra còn có mỳ trộn, mỳ tương đen, mỳ Ý,... Vậy thì người dân Bắc Triều Tiên có yêu thích món mỳ ăn liền như người dân Hàn Quốc hay không? chúng ta tìm hiểu về mỳ ăn liền của miền Bắc.

               

Mỳ ăn liền lần đầu tiên xuất hiện tại Bắc Triều Tiên

Mỳ ăn liền, hay còn gọi là mỳ xoăn, xuất hiện lần đầu tiên ở Bắc Triều Tiên vào những năm 1970, khi một nhà máy bột mỳ được một doanh nhân miền Bắc từng sống tại Nhật Bản thành lập ở Bình Nhưỡng. Thay vì đóng thành từng gói, mỳ xoăn được đóng theo hộp và chỉ được cung cấp cho một số khu vực, trong đó có Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vì mỳ không có gói gia vị, người dân luộc mỳ xoăn lên và ăn với các món ăn kèm. Vào những năm 2000, mỳ ăn liền tương tự loại chúng ta vẫn biết xuất hiện ở Bắc Triều Tiên.

 

Thời kỳ đầu của mỳ ăn liền tại Bắc Triều Tiên

Sau năm 2000, mỳ ăn liền bắt đầu được sản xuất tại Bắc Triều Tiên bởi Nhà máy mỳ ăn liền Bình Nhưỡng, thành lập bởi các nhà đầu tư Hong Kong, vốn đã thâm nhập vào thị trường miền Bắc trước đó do kinh tế Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng rất khó khăn. Nhà máy này sản xuất khoảng 10 tấn mỳ ăn liền mỗi ngày, chỉ chiếm 0,08% tổng lượng lương thực tiêu thụ tại miền Bắc. Tuy nhiên, sự xuất hiện sau đó của mỳ ăn liền chiên trong dầu đi kèm gói gia vị đã đem đến sự thay đổi cho ngành sản xuất mỳ ăn liền miền Bắc. Loại mỳ mới này có gói gia vị nhạt và khá ít dầu, tuy nhiên dễ cắt và được đánh giá là một bước cải tiến của loại mỳ trước đó.

 

Mỳ ăn liền trở nên phổ biến tại Bắc Triều Tiên

Khu công nghiệp liên Triều Gaesung bắt đầu hoạt động từ khoảng năm 2005. Các doanh nghiệp tại đây cung cấp bánh Chocopie và mỳ ăn liền làm món ăn nhẹ cho công nhân. Bên cạnh đó, mỳ ăn liền cũng được các chủ nhà hàng tặng cho những người xung quanh và bày bán ở chợ. Qua đó, người dân Bắc Triều Tiên bắt đầu tiếp cận với các loại mỳ ăn liền đi kèm gói gia vị của Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy giá thành cao, mỳ ăn liền Hàn Quốc vẫn được ưa chuộng hơn nhờ chất lượng tốt và đa dạng.

 

Thay đổi trong thị trường mỳ ăn liền tại Bắc Triều Tiên

Năm 2008, Tân báo Triều Tiên (Choson Sinbo), tờ báo của Hội người Bắc Triều Tiên tại Nhật Bản, đưa tin về việc miền Bắc có kế hoạch sản xuất mỳ ăn liền nội địa số lượng lớn để cung cấp cho người dân. Năm 2010, ngành sản xuất mỳ ăn liền tại Bắc Triều Tiên đã có bước chuyển mình lớn sau khi nhiều loại mỳ ăn liền khác nhau ra đời nhờ chính sách phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm thiết yếu trong đời sống của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Thị trường mỳ ăn liền hình thành với các loại mỳ có nhãn hiệu riêng được sản xuất bởi các nhà máy thực phẩm ở Bình Nhưỡng và các thành phố lớn khác. Mỳ ăn liền miền Bắc cũng có các vị đa dạng như kimchi, tôm, bò, gà, đậu tương. Gần đây, các gói mỳ ăn liền 150g bắt đầu được sản xuất tại Bắc Triều Tiên, sau khi người tiêu dùng phàn nàn gói mỳ 100g như trước đây không đủ no bụng. 

 

Các loại mỳ cốc và cách chế biến mỳ ăn liền tại Bắc Triều Tiên

Người dân miền Bắc gọi loại mỳ có thể mang đi và ăn liền là mỳ cốc, tuy nhiên đây không phải là tên chính thức. Bắc Triều Tiên đang sản xuất các loại mỳ cốc có hộp đựng đa dạng, mang tính tiện lợi cao, không cần rửa bát và có thể tái chế. Thậm chí còn có loại mỳ chỉ cần cho nước lạnh vào là có thể thưởng thức, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm nhiên liệu.

Trên bao bì gói mỳ hoặc tivi hay internet giới thiệu rất nhiều cách chế biến mỳ ăn liền khác nhau để phù hợp với khẩu vị của từng người. Thông thường, người dân miền Bắc hay đun sôi mỳ trong thời gian dài, thường ăn kèm với trứng, nấm và nhiều rau, nếu có điều kiện thì cho thêm thịt bò. Đặc biệt, ở Bắc Triều Tiên còn coi mỳ ăn liền như một món nhậu và cho rằng đây là món ăn đặc biệt.

Tuy nhiên, vì sản lượng vẫn còn ít và giá thành còn cao, mỳ ăn liền được xem là một món ăn cho những dịp đặc biệt ở Bắc Triều Tiên. Hy vọng miền Bắc sẽ sớm có thể sản xuất ra các loại mỳ ăn liền ngon, rẻ với số lượng lớn để  phục vụ nhu cầu của người dân.

Tin mới nhất