Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Nhãn hiệu ở Bắc Triều Tiên

2021-05-13

ⓒ KBS

Nhãn hiệu là tên mà doanh nghiệp đăng ký để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm khác. Trong hệ thống sản xuất hàng loạt, nhãn hiệu phải thể hiện được bản sắc, sức hấp dẫn và uy quyền của sản phẩm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về nhãn hiệu tại Bắc Triều Tiên.

 

Các thương hiệu trở nên đa dạng tại Bắc Triều Tiên

Gần đây, Bắc Triều Tiên đã quảng cáo các sản phẩm nội địa trên các phương tiện truyền thông của đảng Lao động như báo Lao động và các chương trình truyền hình. Về mỹ phẩm, miền Bắc có các thương hiệu nổi tiếng như “Hương mùa xuân” của nhà máy mỹ phẩm Sinuiju và  “Unhasu” (Dải ngân hà) của nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng. Các thương hiệu bia gồm có “Taedonggang” (sông Đại Đồng), “Pyongmaek” và “Baekhak”. Ngoài ra, “Bắc đẩu thất tinh” và “Tuyết đầu mùa” là các thương hiệu bánh quy và kẹo nổi tiếng. “Cây thông” là thương hiệu túi xách và “Maebongsan” là thương hiệu giày. Băng vệ sinh có thương hiệu “Hoa bóng nước”. Việc các thương hiệu tại Bắc Triều Tiên ngày càng đa dạng cho thấy sự thay đổi nhanh chóng của nước này.

 

Luật nhãn hiệu ra đời tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên đã thông qua Luật nhãn hiệu tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao năm 1998, thời điểm nước này đang trải qua thời kỳ “Cuộc hành quân gian khổ" và hoạt động của các nhà máy bị đình trệ do kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Luật này sau đó đã được sửa đổi, bổ sung. Theo Luật nhãn hiệu của miền Bắc, nhãn hiệu được định nghĩa là bất kỳ chữ cái, hình vẽ, số, biểu tượng, màu sắc, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của chúng mà có thể dùng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ do một doanh nghiệp sản xuất với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Luật nhãn hiệu ra đời cũng là một phần trong nỗ lực quảng bá nhãn hiệu nội địa và tăng cường thương mại với các khách hàng nước ngoài của Bình Nhưỡng.

 

Điểm khác biệt trong Luật nhãn hiệu tại Bắc Triều Tiên

Theo Điều 21 của Luật nhãn hiệu Bắc Triều Tiên, các dấu hiệu hoặc ký hiệu mà người đến từ một quốc gia hoặc khu vực đối lập với nước này đăng ký sẽ không được dùng làm nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc các doanh nhân từ các nước có quan hệ thù địch với miền Bắc không được đăng ký nhãn hiệu khi kinh doanh tại đây. Luật pháp nước này cũng quy định các tổ chức, doanh nghiệp hoặc công dân không có tư cách hợp lệ không thể chuyển nhượng hoặc cấp phép cho các nhãn hiệu đã đăng ký. Điều này cho thấy các doanh nghiệp miền Bắc vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước dù đã được trao nhiều quyền tự chủ hơn. Đây là những điểm khác biệt so với Luật nhãn hiệu của các nền kinh tế tư bản.

 

Sự quan tâm của Chủ tịch Kim Jong-un với nhãn hiệu

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đề cao tầm quan trọng của nhãn hiệu kể từ khi lên nắm quyền. Tháng 1/2020, báo Lao động đã có bài viết trích dẫn phát biểu của ông Kim rằng nhãn hiệu là bộ mặt của sản phẩm và sản phẩm chỉ có thể tỏa sáng khi nhãn hiệu đó đáp ứng được nhu cầu của thời đại và hấp dẫn người tiêu dùng. Chủ tịch Kim Jong-un đề xuất ban hành "hệ thống quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa", với mục đích trao cho doanh nghiệp nhiều quyền tự chủ hơn. Hệ thống này cho phép các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm theo ý muốn thay vì theo chỉ định của Nhà nước, tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các công ty, giúp nhãn hiệu ở miền Bắc trở nên đa dạng hơn.

 

Bắc Triều Tiên tăng cường đăng ký nhãn hiệu tại quốc tế

Từ năm 1998 đến năm 2015, Bắc Triều Tiên đã đăng ký tổng cộng 43 nhãn hiệu tại Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, từ năm 2016 đến năm 2020, đã có tới 43 nhãn hiệu đã được đăng ký. Trước những năm 1990, nhãn hiệu không thực sự quan trọng vì miền Bắc chỉ mua bán hàng hóa với các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặc biệt chú trọng sử dụng thương mại để vực dậy nền kinh tế trong nước. Vì vậy, Bắc Triều Tiên đã và đang thúc đẩy đăng ký nhãn hiệu với WIPO nhằm phát triển các mặt hàng nội địa và thăm dò thị trường xuất khẩu.

Cả hai miền Nam-Bắc đều đã tham gia các hiệp ước quốc tế về nhãn hiệu và đăng ký bằng sáng chế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đăng ký các nhãn hiệu Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên và ngược lại. Trong tương lai, Seoul và Bình Nhưỡng cần hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực nhãn hiệu, bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ, nhằm thúc đẩy trao đổi kinh tế liên Triều.

Tin mới nhất