Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Truyện về cáo tại Bắc Triều Tiên

2021-07-22

ⓒ Getty Images Bank

Đầu năm nay, Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin bộ phim hoạt hình “Eoksoe chiến thắng ác ma” đã gây được tiếng vang lớn khi lên sóng truyền hình Bắc Triều Tiên. Hãng tin này đánh giá câu chuyện huyền thoại về cáo 9 đuôi của bán đảo Hàn Quốc đã được miền Bắc tái hiện thành bộ phim hoạt hình 3D chất lượng cao. Đây là bộ phim ứng dụng công nghệ đồ họa máy tính được sản xuất trong vòng một năm ba tháng kể từ tháng 5/2019, kể về quá trình nhân vật Eoksoe đánh bại các ác ma là cáo 9 đuôi được ví như các lệnh trừng phạt của quốc tế, qua đó thể hiện ý chí sẵn sàng vượt qua khó khăn của người dân miền Bắc.

Cáo 9 đuôi là loài vật tưởng tượng xuất hiện nhiều trong thần thoại và truyền thuyết ở Đông Á nói chung và bán đảo Hàn Quốc nói riêng. Sau đây, tiến sĩ Yee Ji-sun đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết thêm về hình tượng con cáo trong các tác phẩm văn hóa Bắc Triều Tiên, trước tiên là hình tượng con cáo trong văn hóa Đông Á.

 

Hình tượng cáo trong văn hóa Đông Á

Ghi chép lâu đời nhất về cáo xuất hiện trong tác phẩm “Sơn Hải Kinh” của văn học cổ Trung Quốc, trong đó kể rằng cáo càng nhiều đuôi thì phép thuật càng cao, và nếu có 9 đuôi thì có thể lên trời giúp Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vốn được coi là một nhân vật thần bí có bộ lông sáng ánh vàng và đem lại may mắn cùng phồn vinh, hình tượng cáo 9 đuôi dần trở thành một cô gái xinh đẹp ác độc sau khi câu chuyện mỹ nhân Đát Kỷ làm nhà Ân (Trung Quốc) sụp đổ thực ra một con cáo 9 đuôi được lưu truyền. Tại bán đảo Hàn Quốc, cáo 9 đuôi có hình tượng đa dạng, chẳng hạn như là con vật chỉ đơn thuần muốn trở thành người, hay một người phụ nữ vô cùng xảo quyệt chuyên ăn gan động vật, hút nguyên khí của đàn ông, khác với hình tượng cáo 9 đuôi được tôn sùng trong đền thờ tại Nhật Bản. Tóm lại, ở Đông Á, cáo được coi là sinh vật thần bí phức tạp và nguy hiểm, có thể quyến rũ và cướp đi mạng sống con người.

 

Hai miền Nam-Bắc từng gọi nhau là cáo trong thời kỳ chiến tranh lạnh

Trong các câu chuyện cổ tích, như truyện “Em gái cáo” hay truyện “Ngọc hồ ly”, cáo được miêu tả là nhân vật ác chuyên ăn gan bò hoặc dùng ngọc hồ ly để hút nguyên khí con người. Vì hình tượng tiêu cực này, hai miền Nam-Bắc từng gọi nhau là cáo trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Hàn Quốc dùng hình tượng cáo đỏ và sói để ám chỉ các quan chức, binh lính và gián điệp Bắc Triều Tiên trong bộ phim hoạt hình chống cộng những năm 1970 mang tên “Tướng quân Ttori” nhằm tạo ác cảm về miền Bắc. Tương tự, Bắc Triều Tiên cũng ví von Hàn Quốc là con cáo tôn sùng chủ nghĩa tư bản và Nhật Bản là con sói đại diện cho chủ nghĩa đế quốc.

 

Sự khác biệt trong hình tượng cáo tại Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên

Tại Hàn Quốc, hình tượng cáo 9 đuôi hóa thân thành một phụ nữ xinh đẹp ăn gan người hoặc muốn trở thành nhân vật mang yếu tố kịch tính và sức hấp dẫn đặc biệt. Giống như nhân vật gấu và hổ cần ăn ngải cứu và tỏi trong 100 ngày trong thần thoại Dangun (Đan Quân), cáo 9 đuôi cũng phải khổ luyện và không được sát sinh trong thời gian dài để trở thành người, nếu vi phạm sẽ phải chết. Yếu tố chạm vào lòng trắc ẩn này khi được dựng thành phim điện ảnh hay hoạt hình có thể tạo ra một câu chuyện đa tầng và ấn tượng.

Khác với hình tượng mang nhiều tầng nghĩa tại Hàn Quốc, cáo trong văn hóa Bắc Triều Tiên chỉ mang những đặc điểm điển hình vốn có. Trong phim và các tác phẩm của Bắc Triều Tiên, hình tượng cáo luôn đại diện cho chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, những người vị kỷ hoặc ly gián. Thay vì các nội dung đa dạng nhiều tầng nghĩa, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật miền Bắc, đặc biệt là các tác phẩm dành cho trẻ em, thường rất đơn giản và rõ ràng để khán giả và độc giả có thể xem và dễ hiểu. Vì vậy, nếu ban đầu cáo được ví với đế quốc, tư bản hoặc các thế lực thù địch, nhân vật cáo sẽ xuất hiện đều đặn với hình tượng đó để không gây nhầm lẫn cho người dân, đảm bảo tính đại chúng và tính nhân dân.

 

Các truyện trong “Tuyển tập truyện dân gian Bắc Triều Tiên”

Được biên soạn trong hơn 30 năm từ những năm 1980, “Tuyển tập truyện dân gian Bắc Triều Tiên” thể hiện các quan điểm về giai cấp và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, loại bỏ các truyện phi thực tế hay kinh dị. Thể loại khoa học viễn tưởng ở miền Bắc chỉ cho phép nội dung về những việc mà con người có thể đạt được trong tương lai gần. Ngoài ra, sợ hãi là một loại cảm xúc không được công nhận tại Bắc Triều Tiên, vì vậy những câu chuyện có thể gây xúc động hoặc khiến độc giả sợ hãi đều bị loại. Do đó, điểm đáng tiếc là tuyển tập truyện này có những câu chuyện về chủ nghĩa xã hội hoặc đấu tranh giai cấp chống lại những tên địa chủ hung ác, nhưng lại không có các truyện thuần túy về mặt cảm xúc.

Tuy những tác phẩm dân gian ở Bắc Triều Tiên không được giữ nguyên nội dung ban đầu, hy vọng sẽ sớm có ngày hai miền Nam-Bắc có thể cùng nhau chia sẻ niềm vui và bài học của tổ tiên qua các câu chuyện cổ tích.

Tin mới nhất