Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Phật giáo ở Bắc Triều Tiên

2020-04-30

ⓒ YONHAP News

Năm nay, các nghi lễ Phật giáo sẽ được tổ chức tại các ngôi chùa trên khắp cả nước vào ngày 30/5 để kỷ niệm Phật đản sinh, lùi một tháng so với hàng năm vì COVID-19. Nhiều người tò mò liệu Nhà nước xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên có tổ chức kỷ niệm ngày này hay không. Miền Bắc vốn được biết đến là không có tự do tôn giáo, tuy vậy, các nghi lễ và sự kiện Phật giáo, bao gồm cả ngày sinh của Đức Phật, được cho là diễn ra thường xuyên tại các ngôi chùa ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Phật giáo ở Bắc Triều Tiên với Giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống Nhất Hàn Quốc.


Đất nước không có tự do tôn giáo

Nhìn bề ngoài, Phật giáo có tồn tại ở Bắc Triều Tiên, và quốc gia này ủng hộ tông phái Phật giáo Jogye (Tào Khê). Năm 2018, Trung tâm dữ liệu về Nhân quyền Bắc Triều Tiên tại Seoul đã thực hiện cuộc khảo sát với 13.349 người đào thoát khỏi miền Bắc và tái định cư tại Hàn Quốc. Với câu hỏi người dân Bắc Triều Tiên có được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo hay không, 99,6% trả lời không. Họ cho biết một số người miền Bắc thậm chí đã bị trừng phạt vì những hoạt động này. 

Như vậy, các tăng ni ở Bắc Triều Tiên đều là nhân viên tôn giáo của đảng Lao động. Khoa Tôn giáo tại Đại học Kim Nhật Thành phụ trách đào tạo các quan chức tôn giáo để giao lưu với thế giới bên ngoài. Khác với Hàn Quốc, các nhà sư Bắc Triều Tiên không cạo đầu và không cư trú tại các chùa chiền. Họ mặc đồ như nhân viên văn phòng đến chùa mỗi sáng, sau đó thay ra trang phục hòa thượng tại đây. Hầu hết các nhà sư đều đã kết hôn. Không ai chọn sống độc thân cho mục đích đào tạo tâm linh. 


Số lượng chùa chiền và tăng ni Phật tử giảm mạnh sau chiến tranh Triều Tiên

Trước khi hai miền chia cắt, đã có hơn 700 tăng ni Phật tử ở phía Bắc bán đảo Hàn Quốc. Nhưng đến năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 300. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chủ trương đàn áp tôn giáo của chính quyền là nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm số lượng nhà sư. Trước khi dân tộc Hàn được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản năm 1945, có hơn 400 ngôi chùa trên khắp Bắc Triều Tiên. Nhưng giờ đây, con số này chỉ còn khoảng 60. 

Trước thực trạng số lượng chùa giảm mạnh, Bắc Triều Tiên đã nỗ lực khôi phục và cải tạo các ngôi chùa địa phương. Chẳng hạn, năm 1956, miền Bắc đã tu sửa chùa Pyohun ở núi Geumgang và chùa Songbul trên núi Jongbang. Năm 1961, chùa Jahye ở tỉnh Hwanghae bị hư hại sau thảm họa cũng đã được khôi phục. Kể từ những năm 1980, Bắc Triều Tiên đã nỗ lực nhiều hơn để bảo tồn các ngôi chùa. 

Như giáo sư Chung Eun-chan giải thích, Bắc Triều Tiên không nhìn nhận chùa chiền dưới góc độ tôn giáo mà coi chúng là nguồn lực duy trì và tuyên truyền về chế độ Cộng sản. Do đó, việc phục hồi các ngôi chùa chỉ mang tính tu sửa tài sản văn hóa và phát triển các điểm du lịch. Suy cho cùng, Phật giáo ở Bắc Triều Tiên vẫn chỉ tồn tại trên bề nổi. Hy vọng rằng tự do tôn giáo sẽ sớm được cải thiện ở đất nước này.

Tin mới nhất