Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Thư viện tại Bắc Triều Tiên (phần 2)

2021-04-01

ⓒ Getty Images Bank

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng internet vạn vật (IoT), đã khiến cho vai trò và chức năng của thư viện ngày càng có sự thay đổi sao cho phù hợp. Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về sự phát triển công nghệ trong các thư viện tại miền Bắc cùng luật sư Oh Hyun-jong.

 

Tình trạng thư viện và phân loại thư viện tại Bắc Triều Tiên

Theo truyền thông Bắc Triều Tiên, tính đến năm 1992, nước này có 15.000 thư viện và phòng đọc sách. Điều này cho thấy miền Bắc rất quan tâm đến việc xây dựng thư viện và xem đây là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế. Thư viện ở miền Bắc được chia làm hai loại là thư viện công cộng và thư viện khoa học. Thư viện công cộng bao gồm thư viện cho người lớn và cho học sinh, trong khi thư viện khoa học được phân loại thành thư viện khoa học tổng hợp và thư viện khoa học chuyên ngành. Bắc Triều Tiên cũng có một tổ chức tương tự như Hiệp hội thư viện của Hàn Quốc. Giống như miền Nam là tất cả các sách in đều có ấn bản được bảo quản tại Thư viện Quốc hội và Thư viện trung ương quốc gia, miền Bắc cũng lưu trữ sách tại một nơi riêng biệt do Nhà nước quản lý.

 

Thủ thư và cách quản lý thủ thư tại Bắc Triều Tiên

Theo Luật Thư viện, thủ thư tại miền Bắc được gọi là nhân viên thư viện,  phải thi lấy chứng chỉ thủ thư và thường xuyên được bồi dưỡng để duy trì trình độ. Ở Bắc Triều Tiên, kỳ thi cấp chứng chỉ thủ thư được tổ chức hàng năm và nhân viên thư viện được phân loại thành 6 hạng khác nhau. Nhân viên thư viện cấp 1 phải biết ba thứ tiếng và có thể cung cấp tài liệu tham khảo liên quan cho các bác sĩ, giáo sư. Nhân viên thư viện cấp 2 và 3 phải biết lần lượt hai và ba ngôn ngữ. Những người cấp 5 và 6 có hơn ba năm kinh nghiệm sẽ được xét lên cấp 4. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chính quy được xét vào cấp 5, còn cấp 6 là những người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc cao đẳng và có trên 3 năm kinh nghiệm. Ngoài ra, danh hiệu “Thủ thư cống hiến” sẽ được trao cho những nhân viên đã làm việc tại các thư viện lớn như Đại học tập đường Nhân dân trong hơn 15 năm và “Thủ thư nhân dân” sẽ được trao cho những người có hơn 20 năm kinh nghiệm.

 

Sự khác biệt trong cách vận hành thư viện tại hai miền Nam-Bắc

Khác với các thư viện ở Hàn Quốc nơi mọi người có thể xem sách tùy ý thích, nhiều thư viện ở Bắc Triều Tiên không mở cửa tự do mà yêu cầu người dân phải trải qua một quy trình nhất định. Cho đến đầu những năm 2000, sách tại các thư viện miền Bắc được phân thành ba loại gồm “công khai”, “bán công khai” và “không công khai”, tùy thuộc vào lượng thông tin về thế giới được đề cập trong cuốn sách. Người dân chỉ được đọc sách “bán công khai” ở những nơi được quy định trong thư viện, và phải được sự đồng ý của Bí thư đảng ủy nếu muốn đọc sách “không công khai”. Tương tự Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng sử dụng phương pháp bảng thập phân để phân loại sách. Mỗi thư viện công cộng dành cho người lớn và học sinh sẽ tự lập và sử dụng bảng phân loại riêng. Đáng chú ý, những cuốn sách liên quan đến chủ nghĩa Mác-Lênin và những cuốn sách do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành viết được lưu trữ trong các danh mục riêng.

 

Thư viện điện tử tại Bắc Triều Tiên

Thư viện điện tử đầu tiên của Bắc Triều Tiên được mở tại Đại học Công nghệ Kim Chaek vào tháng 1/2006, cùng thời điểm miền Bắc phát hành bộ phim khoa học mang tên “Thư viện điện tử” nhằm cung cấp thông tin chi tiết về cách sử dụng và khuyến khích người lao động tìm hiểu về loại thư viện này để xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu hiệu quả hơn tại nơi làm việc. Thư viện điện tử từ đó đã được mở tại các trường đại học và thành phố lớn ở mỗi tỉnh. Đến khoảng năm 2010, Bắc Triều Tiên đã sở hữu nhiều thư viện điện tử bao gồm các thư viện mới và cả những thư viện được cải tạo với trang thiết bị hiện đại. Thư viện điện tử ở các địa phương cũng xây dựng cơ sở dữ liệu riêng để chia sẻ với các tổ chức, trường đại học và doanh nghiệp trên toàn quốc thông qua hệ thống mạng nội bộ quốc gia. Nhờ đó, người dùng có thể tìm thấy những thông tin mới nhất về khoa học và công nghệ mà không bị phụ thuộc thời gian.

 

Khu phức hợp khoa học công nghệ của Bắc Triều Tiên

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã chỉ đạo xây dựng một loại hình thư viện điện tử mới mang tên Khu phức hợp khoa học công nghệ tại Bình Nhưỡng vào năm 2016 để thay thế Đại học tập đường Nhân dân, trung tâm của hệ thống thư viện miền Bắc. Tòa nhà được thiết kế theo mô hình cấu trúc nguyên tử lớn với diện tích sàn 100.000m2. Khu phức hợp mới có cơ sở dữ liệu lên tới 43 Terabyte, lưu trữ 138 triệu văn kiện, và liên tục mở rộng cơ sở dữ liệu về những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ cả trong và ngoài nước để người dân địa phương có thể truy cập. Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã thiết lập mạng lưới khoa học và công nghệ trên toàn quốc bằng cách kết nối Khu liên hợp khoa học công nghệ với các thư viện điện tử tại các trường học cũng như các viện khoa học công nghệ tại các nhà máy, xí nghiệp thông qua mạng máy tính quốc gia.

Thư viện được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng để xây dựng một xã hội thông tin tri thức. Tiếp nối sự giao lưu của các thư viện trên thế giới, hy vọng các thư viện ở hai miền Nam-Bắc cũng sẽ có thể chia sẻ và trao đổi dữ liệu trong tương lai không xa.

Tin mới nhất