Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Phong tục sinh con ở Bắc Triều Tiên

2021-05-27

ⓒ Getty Images Bank

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tổng tỷ suất sinh của Bắc Triều Tiên (dự đoán số trẻ bình quân một phụ nữ sinh ra trong suốt thời kỳ sinh đẻ) là 1,9 trẻ vào năm 2021, đứng thứ 119 trong số 198 quốc gia. Tổng tỷ suất sinh của miền Bắc cao hơn con số 1,1 trẻ của Hàn Quốc nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân thế giới là 2,4 trẻ, cho thấy nước này cũng có tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng không kém. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về văn hóa sinh đẻ tại Bắc Triều Tiên cùng giáo sư Jeong Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống Nhất Hàn Quốc.

 

Nguyên nhân tỷ lệ sinh tại Bắc Triều Tiên giảm sâu

Trong thời kỳ công nghiệp hóa vào những năm 1970, nhu cầu sử dụng lao động nữ tại Bắc Triều Tiên tăng cao. Để khuyến khích phụ nữ đi làm, Bình Nhưỡng đã áp dụng các chính sách hạn chế sinh đẻ và quy định mỗi gia đình chỉ được có từ hai đến ba con. Vào những năm 1980, chính quyền miền Bắc thậm chí còn thông qua luật cho phép nạo phá thai. Vào giai đoạn kinh tế khó khăn giữa những năm 1990 khi chế độ bao cấp sụp đổ và nhiều phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, việc sinh con hoặc chăm sóc con cái càng trở nên xa vời và xu hướng tránh sinh con lan rộng trong toàn xã hội Bắc Triều Tiên.

 

Chính sách khuyến khích sinh con của Bắc Triều Tiên

Từ những năm 2000, tỷ lệ sinh thấp và dân số giảm đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở miền Bắc. Dân số giảm kéo theo sự thiếu hụt lực lượng lao động, khiến tỷ lệ tăng trưởng thấp. Dân số giảm cũng gây khó khăn trong việc huy động quân đội. Do đó, Bình Nhưỡng bắt đầu đưa ra nhiều chính sách khác nhau để khuyến khích sinh đẻ.

Theo chính sách khuyến khích sinh con của Bắc Triều Tiên, phụ nữ mang thai được khám sức khỏe miễn phí mỗi tháng một lần và mỗi tuần một lần khi sắp đến ngày sinh nở. Sản phụ sẽ không phải tăng ca vào ban đêm, đồng thời chế độ nghỉ trước và sau sinh cũng được mở rộng. Đặc biệt, những bà mẹ sinh ba sẽ được hưởng nhiều lợi ích khác nhau như được trao danh hiệu "Người mẹ anh hùng", các bé trai sinh ba được tặng một chiếc dao bạc và các bé gái sinh ba nhận một chiếc nhẫn bạc. Những bà mẹ có từ 7 người con trở lên cũng được phong danh hiệu “Người mẹ anh hùng”. Từ sau năm 2007, các bà mẹ sinh con thứ hai trở lên sẽ được cung cấp lương thực trong 6 tháng.

 

Địa điểm khám thai và sinh đẻ của phụ nữ Bắc Triều Tiên

Ngoài Bệnh viện phụ sản Bình Nhưỡng là bệnh viện trung ương chuyên sản khoa, ở các cấp địa phương của Bắc Triều Tiên đều có bệnh viện riêng có khoa sản. Khác với phụ nữ Hàn Quốc được tự chọn phòng khám, thai phụ ở miền Bắc phải đến phòng khám phụ sản trong khu vực sinh sống để khám và sinh con. Nếu gặp khó khăn trong việc sinh nở hoặc các vấn đề lớn khác, họ được chuyển lên bệnh viện trung ương. Ngoài ra, ở vùng nông thôn cũng có trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà. Ở Bắc Triều Tiên không có nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe sau sinh. Đa số các bà mẹ thường nằm điều trị nội trú tại các bệnh viện một hoặc hai tuần sau đó về nhà chăm sóc sức khỏe.

 

Các việc sản phụ Bắc Triều Tiên làm và tránh làm

Dù không cho thai nhi nghe nhạc cổ điển, phụ nữ mang thai ở Bắc Triều Tiên hay ngắm nhìn những thứ đẹp đẽ. Việc ăn thịt gà hoặc cắt tóc cũng được coi là điều cấm kỵ đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thế hệ trẻ gần đây đã không còn tuân theo những quy tắc này. Sau khi sinh con, các bà mẹ Bắc Triều Tiên cũng ăn canh rong biển để bổ sung i-ốt, giúp làm sạch máu và bổ sung lượng máu bị mất nhiều trong quá trình sinh nở. Ngoài ra, sản phụ miền Bắc còn ăn mật ong để giữ ấm cơ thể và ăn chân giò luộc để tăng tiết sữa trong thời kỳ cho con bú. Nhau thai thường được bệnh viện xử lý sau khi sinh, nhưng cũng có một số bà mẹ giữ lại để ăn.

 

Chế độ thai sản tại Bắc Triều Tiên

Tháng 2 vừa qua, kênh tuyên truyền đối ngoại của miền Bắc “Tongil Voice” (Tiếng vọng thống nhất) đưa tin cho biết phụ nữ Bắc Triều Tiên được nghỉ thai sản tổng cộng 240 ngày, gồm 60 ngày trước và 180 ngày sau khi sinh. Trong thời gian này, họ được nhận các khoản trợ cấp trước và sau khi sinh tương đương 100% phí sinh hoạt cơ bản, bất kể thâm niên làm việc. Khác với Hàn Quốc, miền Bắc không cho phép người chồng cũng được nghỉ để chăm sóc con cái. Hơn nữa, chế độ nghỉ thai sản có lương ở nước này không thực sự hiệu quả, vẫn có trường hợp không được nhận lương hàng tháng do đất nước gặp khó khăn kinh tế.

Mặc dù sinh con được coi là một điều may mắn, hai miền Nam-Bắc đều có tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng. Hy vọng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có thể hợp tác trong tương lai gần để tìm ra giải pháp cho vấn đề xã hội này.

Tin mới nhất