Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Chuyển nhà tại Bắc Triều Tiên

2021-06-03

ⓒ Getty Images Bank

Ở Bắc Triều Tiên trước thời kỳ khó khăn kinh tế những năm 1990, đa số người dân sống tại một chỗ ở nhất định từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời, và hiếm khi nào chuyển nhà. Chính quyền Bắc Triều Tiên hiện đang tích cực thúc đẩy các dự án xây dựng nhà ở. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, gần đây đưa tin hàng trăm ngôi nhà đã được hoàn thành ở tỉnh Bắc Pyongan. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về việc chuyển nhà ở Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu cấp cao Kim Young-hui đến từ Trung tâm kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc thuộc Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB). 


Đơn vị cấp nhà cho người dân tại Bắc Triều Tiên

Luật nhà ở của Bắc Triều Tiên quy định Nhà nước là đơn vị cung cấp nhà ở. Theo đó, chủ gia đình, hay còn gọi là chủ hộ, sẽ được nơi làm việc như cơ quan, công ty cấp nhà để ở; và Nhà nước cung cấp cho công ty kinh phí, đất đai để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, không phải chủ hộ nào cũng được cấp nhà do tình trạng thiếu nhà ở. Vì vậy, có trường hợp ba thế hệ trong gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà. Người dân miền Bắc không có quyền tự do thay đổi nơi cư trú, nên họ chỉ có thể chuyển nhà khi được chỉ định một chỗ ở mới. 


Quyền sử dụng nhà tại Bắc Triều Tiên

Ở Bắc Triều Tiên, nhà thuộc sở hữu của Nhà nước chứ không phải cá nhân. Người dân không có quyền sở hữu nhưng có quyền sử dụng vĩnh viễn nhà ở. Sau khi chủ hộ qua đời, con cái và sau đó là cháu chắt của họ sẽ được thừa kế ngôi nhà, song họ không có quyền bán nhà. Mỗi căn nhà được cấp cho người dân đều có một kích thước nhất định. Dù căn nhà chỉ rộng 33 mét vuông, 56 mét vuông, hay 100 mét vuông đi chăng nữa, người được cấp vẫn phải ở đó và không được chuyển sang căn hộ lớn hơn. Tuy nhiên, kể từ giữa những năm 1990, người dân bắt đầu giao dịch quyền sử dụng nhà ở. Hiện nay, chỉ cần có tiền là có thể sở hữu một ngôi nhà với kích thước mong muốn, tuy rằng việc này trên nguyên tắc vẫn là bất hợp pháp.


Các kiểu nhà ưa thích của người dân Bắc Triều Tiên

Người dân ở các khu vực thành thị thường ưa chuộng các căn hộ chung cư, còn những người ở các làng nông nghiệp lại thích nhà nhiều tầng và tách biệt. Các căn hộ cao tầng ở Bình Nhưỡng có thiết kế nội thất sang trọng, nhưng những ngôi nhà ở nông thôn thì không được như vậy. Khác với quan điểm căn hộ ở tầng càng cao càng tốt tại Hàn Quốc, người dân miền Bắc lại tin rằng tầng càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, tầng một cũng không được ưa thích vì nguy cơ trộm cắp và nhà ở các tầng cao cũng bị né tránh vì phải đi thang bộ nếu cúp điện. Căn hộ tầng hai hoặc ba được coi là lý tưởng. Cơ quan chức năng có quyền quyết định người dân sẽ được ở tầng nào, vì vậy các tầng thấp thường được cấp cho những người hối lộ trước. Sau khi được cấp căn hộ, người dân sẽ được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng và chuyển vào ở.


Dịch vụ chuyển nhà ở Bắc Triều Tiên

Cho đến những năm 1980, người dân Bắc Triều Tiên ít khi chuyển nhà. Khi một người chuyển đến nơi khác vì một số lý do như thăng chức, hàng xóm sẽ giúp vận chuyển đồ đạc và công ty của người đó sẽ cử xe đến đưa đồ đạc đến nơi ở mới. Sau thời kỳ khó khăn kinh tế vào giữa những năm 1990, người dân bắt đầu thu phí khi chuyển đồ cho người khác. Đây cũng là thời điểm lĩnh vực này được thị trường hóa, cùng với đó là một thị trường lao động mới với những người làm nghề bốc xếp được ra đời.


Tiệc tân gia tại Bắc Triều Tiên

Khi chuyển nhà, người dân miền Bắc sẽ đến thông báo trước tại ủy ban nhân dân ở khu vực họ sắp chuyển đến. Vào ngày chuyển nhà, người đứng đầu ủy ban nhân dân và những người hàng xóm sẽ đến chào đón cư dân mới. Tất nhiên, họ phải hoàn thành thủ tục đăng ký cư trú. Vì người dân Bắc Triều Tiên sống theo cộng đồng nên dù muốn hay không họ vẫn phải chào hỏi hàng xóm. Sau khi dọn đến, chủ nhà sẽ làm các loại bánh thường dùng trong các dịp lễ Tết đặc biệt, để đãi tiệc tân gia. Khách dự tiệc sẽ tặng diêm cho chủ nhà, vì theo truyền thống que diêm sẽ đuổi tà ma. Ngày nay, khách đến tiệc tân gia đã bắt đầu tặng những món quà thiết thực hơn, chẳng hạn như bát đĩa mua tại chợ.

Tin mới nhất