Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Gia đình và văn hóa cưới xin ở Bắc Triều Tiên

2019-05-02

© KBS

Tháng 5 ở Hàn Quốc được xem như tháng dành riêng cho gia đình, với rất nhiều ngày lễ kỷ niệm, như Ngày thiếu nhi 5/5, Ngày cha mẹ 8/5, và Ngày của các cặp vợ chồng 21/5. Vậy thì “gia đình” có ý nghĩa như thế nào ở một quốc gia xã hội chủ nghĩa như Bắc Triều Tiên? Hãy cùng tìm hiểu về khái niệm gia đình và văn hóa cưới xin ở miền Bắc.

 

Ở Bắc Triều Tiên, “gia đình” có hai khái niệm khác biệt. Trước tiên, một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái chưa kết hôn. Đó là một gia đình điển hình, gắn bó với nhau bằng huyết thống. Nhưng miền Bắc nhấn mạnh nhiều hơn tới khái niệm thứ hai của gia đình, đó là “gia đình xã hội chủ nghĩa”, trong đó người cha là lãnh tụ tối cao của đất nước, người mẹ là đảng Lao động và con cái là nhân dân. Trên thực tế, lãnh tụ được gọi là “người Cha kính yêu”, trong khi danh xưng “Mẹ” thì thường được dùng cho đảng Lao động. Theo khái niệm này, toàn bộ xã hội Bắc Triều Tiên được xem như một gia đình lớn. Không có cha mẹ thì chẳng thể có con cái. Vì vậy, miền Bắc nhấn mạnh rằng người dân nên thể hiện tình yêu và sự trung thành với lãnh tụ và đảng Lao động, giống như cách con cái kính trọng và hết lòng phụng sự cha mẹ vậy.

 

Như Giáo sư Chung Eun-chan vừa giải thích, Bắc Triều Tiên đặt “gia đình xã hội chủ nghĩa” lên trên gia đình thông thường, trong đó các thành viên chia sẻ huyết thống chung. Năm 1962, nhà sáng lập miền Bắc Kim Nhật Thành trong bài diễn văn chúc mừng năm mới đã nói rằng cần phải biến xã hội thành một gia đình lớn, nơi các thành viên đoàn kết và chung sống hòa hợp với nhau. Sau đó, khái niệm “gia đình xã hội chủ nghĩa” đã trở thành nguyên tắc điều hành của chính quyền, kêu gọi người dân trung thành với lãnh tụ và đảng Lao động. Tuy nhiên trên thực tế, khái niệm đặc biệt này chỉ đơn thuần là một công cụ để kiểm soát xã hội. Nhìn chung, người dân Bắc Triều Tiên cũng kết hôn và bắt đầu một gia đình giống như người dân ở các nước khác.

 

Tháng 7 năm 1976, Nội các Bắc Triều Tiên quyết định khuyến khích người dân kết hôn muộn, bởi các công nhân nữ đã kết hôn không thể làm việc đầy đủ do phải sinh nở và chăm sóc con cái. Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Kim Nhật Thành, miền Bắc bắt đầu thông qua chính sách kiểm soát sinh đẻ, cho phép đàn ông và phụ nữ kết hôn lần lượt sau 30 và 28 tuổi. Nhưng bắt đầu từ những năm 1980, độ tuổi kết hôn đã dần được giảm xuống. Hiện tại, độ tuổi kết hôn tối thiểu được quy định đối với nam giới và nữ giới lần lượt là 18 và 17 tuổi.

 

Trung bình, đàn ông Bắc Triều Tiên sẽ kết hôn vào độ tuổi cuối 20-đầu 30, còn phụ nữ là cuối 20. Trước đây, họ hàng, cán bộ cấp cao trong công ty hoặc các Đảng viên đảng Lao động sẽ sắp xếp hôn lễ cho các cặp đôi trẻ tuổi. Nhưng ngày nay, người miền Bắc mong được kết hôn vì tình yêu hơn là làm đám cưới theo sắp đặt. Điều kiện của hôn phu hay hôn thê cũng đã thay đổi. Trước đây, những người làm việc tại các cơ quan quyền lực, như Bộ an ninh Nhà nước hoặc Bộ an ninh xã hội được đánh giá là đối tác trong mơ.Nhưng ngày nay, thu nhập cao đang trở thành một yếu tố quan trọng trong việc quyết định người chồng hay người vợ tương lai. Sau khi tìm thấy người bạn đời của mình, người dân miền Bắc sẽ tổ chức lễ cưới theo nghi thức truyền thống.

 

Trong lễ cưới, cô dâu điển hình ở Bắc Triều Tiên sẽ mặc váy truyền thống Hàn hay hanbok, mà người miền Bắc vẫn gọi là “trang phục Joseon”. Nhà trai thường tới thăm nhà gái trước để thưởng thức cỗ cưới, và nhà gái sau đó sẽ tới nhà trai để tiến hành các nghi lễ tương tự. Về mặt quà cưới, chú rể sẽ tặng cô dâu quần áo hoặc mỹ phẩm. Trong nhiều trường hợp, nhà trai sẽ lo liệu chỗ ở cho cặp vợ chồng mới cưới, tương tự như Hàn Quốc. Trong khi đó, cô dâu sẽ tặng chú rể quần áo hoặc đồng hồ đeo tay. Nhà gái sẽ phải chuẩn bị 5 món đồ nội thất và 6 món đồ điện tử. 5 món đồ nội thất là tủ quần áo, giường ngủ bọc ga, tủ sách, tủ chén và tủ giầy, còn 6 thiết bị điện tử là TV, tủ lạnh, máy nghe nhạc, quạt điện, máy khâu và một chiếc máy ảnh. Những ai chuẩn bị được đầy đủ tất cả các món đồ này được xem là cô dâu hoàn hảo.

 

Ở Bắc Triều Tiên không có địa điểm cưới cụ thể. Lễ cưới có thể được tổ chức tại nhà của cô dâu hoặc chú rể, chỗ làm của hai người hoặc một trung tâm văn hóa địa phương. Người nhà, họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp sẽ tới dự. Những người sống ở các thành phố lớn và xuất thân từ các gia đình giàu có sẽ thuê một khách sạn để tổ chức lễ cưới. Một số khách sạn ở thủ đô Bình Nhưỡng được biết đến với vai trò tổ chức đám cưới. Quà cưới được trao trong ngày cưới và cũng rất phong phú, tùy theo mức sống của cô dâu và chú rể.

 

Về mặt nguyên tắc, những thứ cần thiết cho một đám cưới được Nhà nước cung cấp. Nhưng trên thực tế, người dân phải tự mình chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Trong đám cưới ở Bắc Triều Tiên, rượu là đồ uống mang tính nghi lễ quan trọng nhất. Nhà nước lẽ ra cũng phải cung cấp rượu trong các đám cưới và các dịp lễ tết truyền thống, nhưng người dân phải tự mình mua rượu bởi số lượng Nhà nước cung cấp là quá nhỏ. Đám cưới thường phục vụ rượu, bánh gạo, mỳ và ngô cho khách mời, còn khách mời tặng quà là tiền, ngô hoặc gạo cho cô dâu chú rể.

 

Sau lễ cưới, vợ chồng mới cưới sẽ tới viếng tượng đài của lãnh tụ tại địa phương và tận hưởng kỳ trăng mật ở một địa điểm du lịch gần đó hoặc khu vực nghỉ dưỡng trong vài ngày. Nhà nước thường cung cấp nhà cho các cặp vợ chồng mới cưới. Ngày nay, nhiều người trong số họ phải đợi rất lâu mới có nhà, do sự thiếu hụt về nhà ở. Vì vậy, một số cô dâu đành chọn sống chung với bố mẹ chồng.

 

Cũng như người Hàn Quốc, người Bắc Triều Tiên rất tận tụy với cha mẹ. Người dân ở cả hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc chia sẻ một nét văn hóa chung là chăm sóc cha mẹ và làm tròn chữ hiếu. Ở miền Bắc, không có Ngày cha mẹ, bởi nước này chỉ có một người cha-mẹ duy nhất, chính là lãnh tụ kính yêu. Nhưng Bắc Triều Tiên vẫn kỷ niệm Ngày của mẹ vào ngày 16/11 hàng năm. Người miền Bắc rất coi trọng tình cảm gia đình và đạo làm con. Thậm chí, trong hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn, nhiều thành viên trong gia đình vẫn bám trụ cùng nhau và không bao giờ đánh mất tình cảm với nhau.

 

Phải đến năm 2012 Bắc Triều Tiên mới chỉ định ngày 16/11 là Ngày của mẹ. Trước đó, nước này chỉ kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Nhưng kể từ khi chỉ định Ngày của mẹ, nhiều trẻ em ở miền Bắc, cũng giống như trẻ em ở miền Nam, đều tặng hoa cẩm chướng cho cha mẹ. Một số người hiếu thảo còn cắt một đoạn cành cây đỗ quyên từ trước một tuần rồi đặt ở nhà cha mẹ để hoa nở đúng vào Ngày của mẹ. Và cũng giống như người Hàn Quốc, người Bắc Triều Tiên cử hành nghi lễ tưởng niệm cha mẹ sau khi họ qua đời.

 

Mặc dù Bắc Triều Tiên khẳng định đảm bảo quyền tự do tôn giáo, người dân không thực sự được hưởng quyền này. Phần lớn người miền Bắc có niềm tin Nho giáo, rằng mọi chuyện trong cuộc sống sẽ tốt đẹp nếu họ thờ phụng tổ tiên đầy đủ. Đó là lý do vì sao họ rất tận tụy duy trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên truyền thống. Bắt đầu từ thời kỳ lãnh đạo của nhà sáng lập Kim Nhật Thành, Bắc Triều Tiên chỉ thị người dân đơn giản hóa các nghi lễ truyền thống liên quan tới 4 dịp kỷ niệm quan trọng của người Hàn, là lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang và nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, nhiều người miền Bắc hoàn toàn tin rằng họ nên thành tâm thờ cúng ông bà, tổ tiên. Họ thường dành dụm thực phẩm hay tiền để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng này.

 

“Jesa” là một nghi lễ thường niên được cử hành vào ngày mất của ông bà, tổ tiên, còn “charye” thì gần giống với nghi lễ thờ cúng tổ tiên nhưng được tiến hành vào các ngày nghỉ lễ truyền thống quan trọng, như Tết trung thu Chuseok và Tết Nguyên đán Seolnal. Đối với người Bắc Triều Tiên, “charye” quan trọng hơn “jesa”, bởi nước này chỉ trích “jesa” không phù hợp với lối sống của quốc gia xã hội chủ nghĩa và hạn chế nghi lễ này, trong khi lại cho phép người dân cử hành “charye” mỗi dịp lễ tết truyền thống.

 

Hầu hết người miền Bắc cử hành nghi lễ “jesa” hoặc “charye” khi đến thăm mộ của tổ tiên, hơn là tại nhà. Họ không tiến hành các thủ tục truyền thống, như đọc điếu văn và viết tên người chết ra giấy rồi dán lên bài vị. Thay vào đó, họ chuẩn bị đồ ăn, thức uống trong khả năng của mình. Khi sắp xếp bàn thờ một cách thành tâm, họ thường trân trọng và tưởng nhớ về ông bà tổ tiên nơi chín suối. Mặc dù đã bị chia cắt hơn một nửa thập kỷ, nhưng dường như hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc không có nhiều khác biệt về mặt tình cảm gia đình và sự thành kính với ông bà, tổ tiên.

Tin mới nhất