Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Văn hóa đi lại ở Bắc Triều Tiên

2019-05-30

© KBS

Tháng 5 được biết đến là tháng gia đình ở Hàn Quốc. Rất nhiều sự kiện và lễ hội đang được tổ chức trên cả nước. Với việc thời tiết rất lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời, nên không có gì quá ngạc nhiên khi những cung đường chính ở Hàn Quốc đều chật cứng xe cộ vào các dịp cuối tuần trong tháng 5 này. Vậy thì người dân Bắc Triều Tiên có thích di chuyển không? Hãy cùng tìm hiểu về văn hóa đi lại ở miền Bắc.


Người dân không có quyền tự do đi lại 

Hiến pháp Bắc Triều Tiên quy định rằng các công dân có quyền tự do cư trú và tự do đi lại, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Người dân miền Bắc không thể tự do đi lại ngay cả trong chính đất nước của mình chứ đừng nói là ra nước ngoài. Chính quyền kiểm soát sự di chuyển của người dân bằng nhiều hình thức, như quy định thông hành và đăng ký cư trú. Vi phạm quy định thông hành sẽ bị phạt hoặc lao động công ích trong vòng không quá ba tháng, theo luật xử phạt hành chính. Có một điều khoản cho phép cơ quan an ninh kiểm soát bất cứ hành vi nào vi phạm quy chế thông hành và đăng ký cư trú. Người dân chỉ có thể di chuyển tới một khu vực khác khi được cấp giấy thông hành. 


Cần giấy thông hành để di chuyển

Có 4 loại giấy thông hành: giấy thông hành để tới Bình Nhưỡng, tới khu vực biên giới phía Nam, tới khu vực biên giới phía Bắc và tới các vùng miền bình thường khác. Giấy thông hành do cơ quan công an tại mỗi vùng miền cấp. Tuy nhiên, không phải ai nộp đơn cũng được cấp giấy này. Việc cấp giấy thông hành được thực hiện một cách có chọn lọc, xem xét tới tầng lớp xã hội và khuynh hướng chính trị của người đề nghị. Những ai muốn tới thủ đô Bình Nhưỡng, các vùng biên giới phía Bắc như Musan ở tỉnh Bắc Hamgyong và Hyesan ở tỉnh Ryanggang, cũng như các vùng biên giới phía Nam như Gesung và tỉnh Hwanghae, phải trải qua một quy trình khá phức tạp để có được mã lưu thông đặc biệt. 


Đầu tiên, họ phải khai mẫu đơn và có được con dấu cho phép của 4, 5 quan chức, trước khi nộp lên cơ quan công an địa phương. Sau khi xem xét đơn, trong đó nói rõ mục đích di chuyển, công an sẽ cấp mã lưu thông. Chỉ cần một trong số 4, 5 quan chức trên không đồng ý, cơ quan công an sẽ không cấp mã lưu thông hay giấy thông hành. Quy trình khó khăn khiến cho người dân từ bỏ việc đi lại, kể cả khi cha mẹ hay họ hàng qua đời, hoặc đành phải đến muộn sau đám tang. Phần lớn người dân Bắc Triều Tiên sống tại quê nhà hoặc các khu vực lân cận suốt cả cuộc đời, trừ một số trường hợp đặc biệt, như đi học đại học, phục vụ trong quân ngũ, kết hôn, hay đi thăm họ hàng, đi làm ăn. Vì vậy, người dân không thể nghĩ tới việc di chuyển vì mục đích tận hưởng văn hóa hay du lịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn nghiêm trọng về kinh tế những năm 1990, còn được biết đến là thời kỳ “tháng Ba gian khổ”, hệ thống cấp phép thông hành ngặt nghèo trên đã không thể vận hành tốt được. 


Kinh tế khó khăn làm suy yếu vai trò của giấy thông hành

Suốt thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều người Bắc Triều Tiên buộc phải rời khỏi khu vực cư trú bằng tàu hỏa để tìm kiếm cái ăn hoặc bán hàng ở chợ tư nhân. Chính quyền khó lòng trừng phạt người dân vì không có giấy thông hành, bởi họ phải đi lại để mưu sinh vì gia đình. Do chợ ngày một lan rộng, thương nhân bắt đầu hối lộ quan chức để có được giấy thông hành và tự do di chuyển sang các vùng miền khác. Mặc dù hạn chế sự di chuyển của người dân, miền Bắc lại nỗ lực thu hút khách du lịch nước ngoài.


Trừ Hàn Quốc, nước nào cũng có thể du lịch tới Bắc Triều Tiên

Tất nhiên, Bắc Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ động thái của du khách nước ngoài. Người dân trên toàn thế giới, trừ người Hàn Quốc, có thể du lịch tới miền Bắc nếu muốn. Ngay cả công dân Mỹ, quốc gia vốn có quan hệ thù địch với miền Bắc, cũng có thể tới thăm đất nước khép kín này. 


Năm 2017, một công ty lữ hành chuyên cung cấp các tour du lịch Bắc Triều Tiên đã được mở tại thủ đô Mát-xcơ-va của Nga, trong khi quảng cáo của các khách sạn ở miền Bắc thậm chí còn xuất hiện trên TripAdvisor, trang web thông tin du lịch lớn nhất thế giới. Các địa điểm du lịch nổi tiếng của Bắc Triều Tiên là thủ đô Bình Nhưỡng, thành phố bên bờ biển Đông Wonsan, núi Geumgang và thành phố vùng biên Gaesung. Trong đó, Bình Nhưỡng được cho là thu hút số lượng du khách quốc tế lớn nhất. 


Đáng tiếc thay, người dân hai miền Nam-Bắc lại không được phép tự do qua lại biên giới hai nước. Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng tháng 9 năm ngoái, nhiều người Hàn Quốc kỳ vọng rằng, một khi bán đảo được thống nhất, họ có thể tới thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía bên kia biên giới, trong đó có ngọn núi Baekdu (Bạch Đầu). 


Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ đầy thử thách cần phải giải quyết, như phi hạt nhân hóa, gỡ bỏ cấm vận quốc tế với miền Bắc và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều. Mặc dù vậy, người dân hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc vẫn kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, khi họ có thể tự do di chuyển trên khắp bán đảo bằng ô tô, tàu hỏa hoặc máy bay, và thậm chí còn có thể đi tới tận châu Âu bằng mạng lưới đường sắt Á-Âu được kết nối với các tuyến đường sắt liên Triều.

Tin mới nhất