Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Quyền phụ nữ tại Bắc Triều Tiên

2020-11-05

ⓒ KBS

Vấn đề quyền phụ nữ là chủ đề được thảo luận trên khắp thế giới trong nhiều năm qua. Được biết, thể chế Bắc Triều Tiên công nhận phụ nữ là những chủ thể độc lập, không bị phụ thuộc vào bất kỳ ai. Bình Nhưỡng cũng ban hành luật thúc đẩy bình đẳng giới từ khá sớm và bố trí nhiều hệ thống pháp luật khác nhau để đảm bảo quyền phụ nữ. Sau đây, luật sư Oh Hyun-jong sẽ cho chúng ta biết thêm về quyền phụ nữ tại miền Bắc.


Sư tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong vấn đề nữ quyền

Bắc Triều Tiên đã thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Xã hội chủ nghĩa vào tháng 11/1945 và ban hành Luật cải cách ruộng đất vào năm 1946. Theo luật này, phụ nữ có quyền lao động bình đẳng như nam giới và hai bên được chia đất như nhau. Miền Bắc có những quy định cho phép nghỉ thai sản có lương và cấm lao động nặng nhọc trong thời gian nghỉ thai sản đối với phụ nữ. Tháng 7/1946, Bình Nhưỡng ban hành Luật bình đẳng giới quy định quyền bình đẳng của nam giới và nữ giới trong mọi lĩnh vực, gồm quyền đảm nhận các chức vụ công, thừa kế tài sản và chia tài sản khi ly hôn. 41 năm sau khi Bắc Triều Tiên ban hành Luật bình đẳng giới năm 1946, Hàn Quốc mới ban hành Luật tuyển dụng bình đẳng giới vào năm 1987. Như vậy, về mặt luật pháp, miền Bắc tiến bộ hơn miền Nam về vấn đề bình đẳng giới.

Bắc Triều Tiên đã tham gia Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 2001 và đệ trình báo cáo đầu tiên về việc thực hiện Công ước vào tháng 9/2002. Năm 2010, miền Bắc ban hành Luật đảm bảo quyền lợi phụ nữ, gồm các điều khoản rất cụ thể.


Tỷ lệ nữ giới tham gia chính trị tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên ban hành các biện pháp, chính sách cải thiện địa vị của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Điển hình là tỷ lệ nữ giới trong Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên, cơ quan tương đương với Quốc hội Hàn Quốc, tương đối cao. Năm 1948, tỷ lệ nữ giới trong Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc là khoảng 12%, nhưng con số này đã tăng lên 20% năm 1998. Ngoài ra, miền Bắc đã tích cực xây dựng các chính sách kinh tế nhằm đảm bảo phụ nữ có thể làm công việc gia đình và chăm sóc trẻ em mà vẫn thực hiện được quyền lao động.


Lý do cho các chính sách nữ quyền của Bắc Triều Tiên và thực tế quyền phụ nữ ở miền Bắc

Hầu hết các chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên nhận thức rõ thực tế là nước này sẽ khó được công nhận là một quốc gia bình thường nếu không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền phụ nữ. Do đó, đây cũng được xem là một “động thái chính trị” để tránh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Thực tế, điều Bình Nhưỡng cần làm là tạo môi trường lao động thuận lợi cho phụ nữ. Hơn nữa, Bắc Triều Tiên vẫn bị chi phối bởi văn hóa gia trưởng, tức người đàn ông là trụ cột gia đình và xã hội, nên địa vị của phụ nữ miền Bắc vẫn còn thấp và quyền của họ không được bảo vệ đúng mức. Dù trở thành trụ cột kinh tế, phụ nữ miền Bắc vẫn phải chăm sóc con cái và làm việc nhà bởi tư tưởng gia trưởng.


Sự khó khăn các tổ chức quốc tế gặp phải khi nghiên cứu về quyền phụ nữ tại Bắc Triều Tiên

Tháng 12/2019, Viện nghiên cứu về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Đại học Georgetown, Mỹ và Viện nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO) đã công bố “Chỉ số phụ nữ, hòa bình và an ninh năm 2019”, đánh giá tổng cộng 11 chỉ số khác nhau như đóng góp xã hội của phụ nữ, bình đẳng và mạng lưới an toàn xã hội của 167 quốc gia, bao gồm cả Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, cuối cùng miền Bắc đã bị loại khỏi danh sách. Rất khó để các viện nghiên cứu hoặc trường đại học quốc tế có được thông tin về Bắc Triều Tiên vì nước này cô lập với cộng đồng quốc tế. Tình trạng quyền phụ nữ không được đảm bảo cũng là một lý do khiến miền Bắc bị loại khỏi bảng xếp hạng.

Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực bảo vệ quyền của phụ nữ Bắc Triều Tiên bằng nhiều cách khác nhau nhưng không mang lại kết quả do thái độ thờ ơ của chính quyền Bình Nhưỡng. Hy vọng miền Bắc sẽ thực thi đúng các luật về quyền phụ nữ để cuộc sống của phụ nữ Bắc Triều Tiên được đảm bảo một cách hiệu quả.

Tin mới nhất