Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Địa vị của người phụ nữ trong xã hội Bắc Triều Tiên

2019-03-07

© KBS

Năm 1975, Liên hợp quốc chỉ định ngày 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ và khoảng 170 quốc gia trên thế giới kỷ niệm dịp này hàng năm. Bắc Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Miền Bắc kỷ niệm phiên bản riêng của  ngày Quốc tế phụ nữ và thậm chí còn quy định đây là ngày nghỉ lễ chính thức. Hãy cùng tìm hiểu về lý do vì sao ngày này lại được kỷ niệm tại Bắc Triều Tiên, một quốc gia “có tiếng” về vấn đề nhân quyền, và cách phụ nữ được đối xử tại đây.


Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 khá khác biệt

Nhìn chung, ngày Quốc tế phụ nữ nhắc nhở người dân về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Nhưng Bắc Triều Tiên kỷ niệm ngày này theo cách khá khác biệt. Vào ngày 8/3, phụ nữ miền Bắc sẽ tập hợp xung quanh nhà máy, công xưởng, công ty hoặc làng xã để cùng nhau chia sẻ thức ăn và chơi nhiều trò chơi. Trong khi đó, các ông chồng thì dậy từ sáng sớm để nấu đồ ăn hoặc tặng mỹ phẩm hay hoa cho vợ mình, như một biểu hiện cảm kích trước sự vất vả của người vợ. Trên góc độ chính trị, đảng Lao động sẽ triệu tập một phiên họp nhằm đánh dấu dịp kỷ niệm này mỗi năm.


Tiến bộ nhất thế giới về bình đẳng giới xét theo luật pháp

Bắc Triều Tiên ban hành luật về bình đẳng giới năm 1946. Luật trên đảm bảo quyền bầu cử và tranh cử của phụ nữ, phản đối hôn nhân cưỡng ép và mại dâm, cũng như công nhận quyền của phụ nữ được phép ly hôn và kiện chồng ra tòa để được hỗ trợ nuôi con. Năm 2010, luật này đã được tăng cường với nhiều điều khoản cụ thể, bao gồm quy định bình đẳng về giới trong thừa kế tài sản, cấm bạo lực gia đình và cấm sa thải phụ nữ vì lý do kết hôn, mang thai và nghỉ đẻ.


Về mặt luật pháp, Bắc Triều Tiên là quốc gia tiến bộ nhất trên thế giới trong vấn đề bình đẳng giới. Phụ nữ miền Bắc được hưởng 240 ngày nghỉ sinh con – 60 ngày trước khi sinh và 180 ngày sau sinh. Đây là kỳ nghỉ được quy định dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước Anh.


Cuộc sống thực tế của người phụ nữ khác xa so với những gì luật pháp đảm bảo

Địa vị xã hội của phụ nữ Bắc Triều Tiên không được bình đẳng như nam giới. Không có nhà ngoại giao nữ nào của Bắc Triều Tiên làm việc tại Liên hợp quốc. Tất nhiên, miền Bắc cũng có một số nữ chính trị gia. Bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động, thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện quốc tế nhằm chứng tỏ sự hiện diện của mình. Thứ trưởng Ngoại giao Choe Sun-hui là nhà ngoại giao nữ đại diện cho miền Bắc. Tuy nhiên, có rất ít phụ nữ Bắc Triều Tiên thực sự tham gia vào các hoạt động đối ngoại trên trường quốc tế.


Trong nhiều gia đình bị chi phối nặng nề bởi các giá trị truyền thống và tư tưởng gia trưởng, hầu hết phụ nữ phải làm việc nhà và chăm sóc con cái. Nhiều phụ nữ miền Bắc phải đối diện với thực tại khắc nghiệt, đối lập hoàn toàn với mô tả của nước này về người phụ nữ như những “đóa hoa” của gia đình hay xã hội.


Phụ nữ chịu nhiều gánh nặng hơn, nhưng địa vị được cải thiện

Sau thời kỳ “tháng Ba gian khổ” trong những năm 1990, hệ thống phân phối của Nhà nước đã bị sụp đổ trên thực tế, buộc nhiều người nội trợ ở miền Bắc phải làm việc tại các chợ tư nhân, còn gọi là “jangmadang” vì sự tồn tại của chính họ. Hậu quả là, họ phải chịu cùng lúc hai gánh nặng của công việc và chăm sóc gia đình. Mặc dù vậy, điểm sáng là địa vị của phụ nữ Bắc Triều Tiên đã được tăng lên, bởi chợ đã trở thành động lực chính của nền kinh tế trong nước.


Vì ngày càng có nhiều phụ nữ Bắc Triều Tiên cải thiện được khả năng kinh tế thông qua các hoạt động chợ búa, họ cũng có tiếng nói lớn hơn trong gia đình. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, miền Bắc đã đẩy mạnh ngày Quốc tế phụ nữ lên một nấc mới, nhấn mạnh cuộc sống sung túc, hạnh phúc của người phụ nữ. Nhiều chương trình TV ca ngợi những bà mẹ đi làm và tích cực khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế.


Nhấn mạnh vai trò của phụ nữ vì mục đích chính trị

Rõ ràng là, Bắc Triều Tiên đang nhấn mạnh vai trò tích cực của phụ nữ và đặc biệt coi trọng ngày Quốc tế phụ nữ. Nhưng động thái trên cũng là nhằm xoa dịu các chỉ trích bên ngoài về tình trạng nhân quyền tại nước này và tăng cường sự đoàn kết trong nước. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, chính quyền Bắc Triều Tiên khẳng định rằng nước này đã đạt được bình đẳng giới. Nhưng trên thực tế, phụ nữ miền Bắc vẫn còn phải đi một chặng đường rất dài để cải thiện địa vị của mình.

Tin mới nhất