Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Ngành ngân hàng ở Bắc Triều Tiên (phần 2)

2021-02-04

ⓒ Getty Images Bank

Trong số phát sóng trước, chúng ta đã tìm hiểu về các ngân hàng tại Bắc Triều Tiên và vai trò của chúng. Theo đó, miền Bắc điều hành “hệ thống ngân hàng đơn”, trong đó Ngân hàng trung ương Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm xử lý tất cả các hoạt động tài chính và các ngân hàng hầu như không có vai trò thương mại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã thành lập các ngân hàng địa phương do thị trường tài chính trở nên đa dạng hơn. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các ngân hàng địa phương ở Bắc Triều Tiên.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin về ngân hàng địa phương

Từ năm 2015, truyền thông Bắc Triều Tiên đã bắt đầu đưa tin về các ngân hàng địa phương ở các tỉnh. Ngày 14/12/2015, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đưa tin Chủ tịch Ngân hàng tỉnh Bắc Hamgyong Ri Kwang-ho là một trong những người tranh luận tại Đại hội nhân viên ngân hàng tài chính toàn quốc lần thứ ba. Đáng chú ý, Ngân hàng tỉnh Bắc Hamgyong được nhắc đến với tư cách một ngân hàng địa phương mới thành lập chứ không phải là chi nhánh của Ngân hàng trung ương Bắc Triều Tiên. Chức danh “Chủ tịch” của ông Ri cũng cho thấy ngân hàng này đã được trao một số quyền tự chủ. Ngoài ra, Đài phát phanh và truyền hình Bình Nhưỡng cũng từng đề cập đến Ngân hàng tỉnh Jagang. Từ đó, có thể kết luận ngân hàng này độc lập hoặc tiếp quản đáng kể các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trung ương miền Bắc để tách về hoạt động ở địa phương. Có vẻ như Bắc Triều Tiên đã thành lập các ngân hàng địa phương song song với quá trình thiết lập các khu vực phát triển kinh tế và phân quyền quản lý kinh tế ở mỗi tỉnh.

 

Quá trình thành lập ngân hàng địa phương tại Bắc Triều Tiên

Bình Nhưỡng ban hành Luật ngân hàng thương mại năm 2006 và thành lập Ngân hàng phát triển quốc gia với vốn đầu tư 10 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên gặp khó khăn trong việc thành lập các ngân hàng thương mại do khó huy động vốn và chịu sự phản đối gay gắt từ những người bảo thủ với nền kinh tế theo kế hoạch và bài trừ nền kinh tế thị trường. Năm 2015, miền Bắc đã sửa đổi Luật ngân hàng thương mại, cho phép các chi nhánh của Ngân hàng trung ương miền Bắc tại các tỉnh, thành phố thực hiện một số vai trò thương mại. Bình Nhưỡng cũng cho phép thành lập các ngân hàng thương mại dưới hình thức ngân hàng địa phương với vốn đầu tư từ tầng lớp giàu có. Do đó, Bắc Triều Tiên đã hoàn thành dự án thành lập các ngân hàng địa phương sau khi thành lập Ngân hàng tỉnh Nam Hamgyong, Ngân hàng tỉnh Jagang, Ngân hàng tỉnh Ryanggang, Ngân hàng tỉnh Nam Pyongan vào năm 2015, và Ngân hàng Bình Nhưỡng vào năm 2017.

 

Vai trò của các ngân hàng địa phương tại Bắc Triều Tiên

Các ngân hàng địa phương chịu trách nhiệm xử lý 13 loại nghiệp vụ ngân hàng, bao gồm tiền gửi, vay vốn, mở và quản lý tài khoản, thanh toán trong và ngoài nước, ngoại hối, xác minh tín dụng, phát hành thẻ. Trong đó, các khoản cho vay, phát hành trái phiếu, giao dịch kim loại quý, đăng ký tài sản cố định và các công việc liên quan đến ngân khố quốc gia vốn là do Ngân hàng trung ương Bắc Triều Tiên quản lý. Mặt khác, thu đổi ngoại tệ, mở tài khoản cá nhân, thanh toán, phát hành thẻ và tiền gửi là những dịch vụ mới được giao cho các ngân hàng địa phương. Trước đây, Ngân hàng trung ương miền Bắc chỉ cung cấp dịch vụ tiền gửi và vay vốn cho các doanh nghiệp, hạn chế các dịch vụ cho cá nhân. Tuy nhiên, các ngân hàng địa phương cho phép các cá nhân được mở tài khoản để giao dịch.

 

Hạn chế của ngân hàng địa phương tại Bắc Triều Tiên

Mặc dù đã bắt đầu mang một số yếu tố thương mại, các ngân hàng địa phương tại Bắc Triều Tiên vẫn có những hạn chế nhất định. Ở miền Bắc, các nguồn tài chính tư nhân hoạt động như các “ngân hàng cá nhân,” cung cấp lãi suất cao khi gửi tiền, cho vay tiền và thậm chí cả dịch vụ chuyển tiền. Ngân hàng địa phương Bắc Triều Tiên không thể hoạt động như ngân hàng thương mại đúng nghĩa khi chỉ có thể cung cấp lãi suất tiền gửi thấp hơn các nguồn tài chính tư nhân và không có được niềm tin từ người dân. Ngoài ra, các ngân hàng địa phương chỉ cung cấp dịch vụ cho vay một cách hạn chế.

 

Các ngân hàng Bắc Triều Tiên dần tiếp nhận các yếu tố của nền kinh tế thị trường

Để các ngân hàng địa phương có thể hoạt động hiệu quả, Bắc Triều Tiên cần tiếp nhận nhiều yếu tố của nền kinh tế thị trường hơn. Nếu ngân hàng được giao quyền tự chủ và cấp vốn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh và gửi tiền vào ngân hàng. Các ngân hàng sau đó sẽ mở rộng các khoản cho vay và tạo ra một chu kỳ tín dụng. Vì lý do này, một số địa phương đã hợp pháp hóa các nguồn tài chính tư nhân và không chính thức.

Việc thành lập các ngân hàng thương mại ở Bắc Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã bắt đầu thực hiện nghiêm túc chính sách cải cách tài chính. Tuy nhiên, cho đến khi có thể đảm bảo khả năng sinh lời và thực hiện vai trò của ngân hàng thương mại đúng nghĩa, các ngân hàng địa phương Bắc Triều Tiên vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải đối mặt. Hy vọng miền Bắc có thể rút kinh nghiệm từ quá trình phát triển cơ sở hạ tầng tài chính của Hàn Quốc để người dân nâng cao lòng tin với ngân hàng và tham gia vào các giao dịch tài chính minh bạch.

Tin mới nhất