Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Lập trường của Bắc Triều Tiên về chiến tranh Triều Tiên

2020-06-18

ⓒ KBS

Ngày 25/6 là kỷ niệm 70 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (25/6/1950). Hàn Quốc ghi nhớ ngày này như một “bi kịch dân tộc” khi quân đội Bắc Triều Tiên tấn công bất ngờ xuống miền Nam. Còn phía Bắc Triều Tiên hàng năm đều tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm, như mít tinh biểu tình quy mô lớn lên án gay gắt nước Mỹ. Chúng ta cùng nghe giáo sư Chung Eun-chan thuộc Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc giải thích rõ hơn về lập trường của miền Bắc liên quan tới chiến tranh Triều Tiên.


Một mực quy kết Mỹ và Hàn Quốc là kẻ châm ngòi chiến tranh

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào các sự kiện kỷ niệm có thể diễn ra tại miền Bắc, cũng như những nội dung truyền thông nước này đưa tin. Bắc Triều Tiên khẳng định chiến tranh Triều Tiên bùng nổ là do Mỹ và Hàn Quốc bất ngờ tấn công trước, và kết thúc với phần thắng thuộc về nước này.

Tuy nhiên, những lập luận trên của Bắc Triều Tiên đều đã bị chứng minh là dối trá thông qua những tài liệu mật từ thời Liên Xô mà phía Nga trực tiếp gửi cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam năm 1994. Các tài liệu cho thấy sau hàng chục lần đề nghị, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành mới được Liên Xô và Trung Quốc cho phép tấn công xuống miền Nam. Cũng theo những tài liệu này, nếu so sánh về sức mạnh quân sự khi đó, miền Nam rõ ràng yếu thế hơn hẳn miền Bắc. Ngoài ra, trong Sắc lệnh chiến đấu số 1 của Sư đoàn 4, Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên cũng ghi chép cụ thể về kế hoạch tấn công phủ đầu miền Nam. Đây là  những chứng cứ lịch sử rõ ràng chứng minh Bắc Triều Tiên đã tấn công xâm lược miền Nam trước, làm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên.

Bất chấp những tài liệu xác thực trên, chính quyền Bắc Triều Tiên vẫn một mực quy kết Hàn Quốc khơi mào tấn công xâm lược nước này, kích động tư tưởng chống Mỹ trong dân chúng. Vậy ý đồ của Bắc Triều Tiên là gì?


Bóp méo sự thật về chiến tranh Triều Tiên nhằm duy trì thể chế

Vào ngày đầu năm mới 2012, năm đầu tiên Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, nhà lãnh đạo đã tới thị sát Sư đoàn xe tăng Ryu Kyong-su, đơn vị đầu tiên tấn công và chiếm đóng Seoul trong chiến tranh Triều Tiên. Động thái của ông Kim Jong-un cho thấy nhà lãnh đạo mới của miền Bắc muốn tiếp tục lợi dụng cuộc chiến tranh này để duy trì thể chế. Sang năm tiếp theo, ông Kim Jong-un lại cho sửa chữa “Bảo tàng kỷ niệm chiến thắng, giải phóng tổ quốc” với quy mô lớn, sau đó tổ chức lễ khai trương hoành tráng. Ngoài ra, ông Kim còn cho khôi phục nơi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành từng đặt Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Bắc Triều Tiên trong thời kỳ chiến tranh, qua đó nêu bật sự nghiệp của nhà sáng lập đất nước. Tuy nhiên, chiến lược bóp méo sự thật về chiến tranh Triều Tiên hòng duy trì thể chế của chính quyền miền Bắc cũng không tránh khỏi hạn chế.

Tin mới nhất