Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Tuyển sinh đại học ở Bắc Triều Tiên

2020-10-22

ⓒ KBS

Hàn Quốc thường tổ chức thi tuyển sinh đại học vào tháng 12 hàng năm. Năm nay, tỷ lệ thí sinh không tham gia kỳ thi này được dự báo sẽ đạt mức cao nhất do nhiều học sinh cho rằng không thể ôn tập kĩ càng cho kỳ thi vì không thể đến trường học trực tiếp mà phải học trực tuyến do dịch COVID-19. Không chỉ riêng Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng có chế độ thi tuyển sinh đại học, gồm kỳ thi sơ tuyển và thi chính. Cô Kang Mi-jin, một người đào thoát khỏi miền Bắc đang sống tại Hàn Quốc và hiện là phóng viên của tờ báo trực tuyến Daily NK, giải thích rõ hơn về kỳ thi tuyển sinh đại học của miền Bắc.


Cấu trúc bài thi đại học tại Bắc Triều Tiên


Vào đầu những năm 2000, Bắc Triều Tiên đã dời ngày tổ chức kỳ thi sơ tuyển đại học trên toàn quốc sang cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, vì năm học mới bắt đầu ngày 1/4, thay vì ngày 1/9 như trước đó. Kỳ thi đại học tại miền Bắc gồm các môn quốc ngữ, tiếng Anh, toán, vật lý, hóa học và giáo dục thể chất. Ngày nay, các môn lịch sử cách mạng, văn học và tiếng Anh có 3 câu hỏi, vật lý và hóa học có hai câu hỏi. Riêng môn Toán có 3 đến 5 câu hỏi. Tất cả các môn thi đều có điểm tối đa là 5. Nếu thí sinh vượt qua kỳ thi sơ tuyển, sẽ nhận được thông báo trúng tuyển và sau đó sẽ tham gia kỳ thi chính tại trường đại học sẽ thi vào.


Chế độ tuyển sinh đại học “từ trên xuống” của Bắc Triều Tiên


Một trong những điểm đặc biệt trong hệ thống tuyển sinh đại học của Bắc Triều Tiên là chính quyền sẽ chỉ định các trường đại học mà thí sinh sẽ theo học. Dựa trên kết quả kỳ thi sơ tuyển, các nhà chức trách đặt ra một chỉ tiêu tuyển sinh đại học nhất định cho mỗi trường trung học phổ thông. Dựa vào chỉ tiêu này, các trường sẽ tiến cử học sinh để các trường đại học xem xét kết quả thi và tư tưởng chính trị. Trong quá trình đó, học sinh không có quyền lựa chọn bất kỳ trường đại học nào mà chỉ được đến một trường đại học được chỉ định để tham gia kỳ thi chính. Nói cách khác, ở miền Bắc, Nhà nước mới có quyền quyết định trường đại học cho sinh viên.


Vai trò của phụ huynh trong kì thi đại học tại Bắc Triều Tiên


Ở Bắc Triều Tiên, nhập học đại học giống như một tấm vé thông hành, đảm bảo cho một người có cuộc sống và công việc ổn định cả đời. Sỹ tử sẽ có cuộc đời thuận buồm xuôi gió một khi được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Tương tự Hàn Quốc, không có gì ngạc nhiên khi các bậc phụ huynh ở miền Bắc cũng nỗ lực hết mình để cho con cái vào những trường tốt nhất. Nếu như ở miền Nam, thành tích học tập là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tuyển sinh đại học, thì ở Bắc Triều Tiên, địa vị xã hội và sự giàu có của cha mẹ cũng đóng vai trò lớn không kém, bên cạnh điểm thi của học sinh. Các bà mẹ có xu hướng mua chuộc văn phòng phụ trách học tập ở trường trung học phổ thông để con họ được tuyển vào các trường đại học tốt. Do đó, dù có thành tích học tập tốt đi chăng nữa, các em học sinh cũng không thể mong đợi vào được một trường đại học danh tiếng mà không phải hối lộ.


Cơ hội thi lại đại học của sĩ tử Bắc Triều Tiên


Nếu học sinh trung học phổ thông ở Hàn Quốc trượt đại học hoặc xét thấy kết quả thi của mình không đủ tốt, các em có thể chọn thi lại vào năm sau. Ngược lại, nếu trượt đại học trong lần thi đầu tiên, học sinh miền Bắc sẽ phải gia nhập quân đội hoặc đi làm trước khi được thi lại. Một người tốt nghiệp trung học ở độ tuổi thanh thiếu niên, nếu không vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học thì có cơ hội thi lại ở cuối độ tuổi 20. Người dân miền Bắc thường kết hôn và lập gia đình vào độ tuổi này, và những người có gia đình hầu như không thể chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Vì vậy, rất ít người ôn thi đại học lần thứ hai.


Du học sinh Bắc Triều Tiên


Đối với công dân miền Bắc nói chung, ra nước ngoài đã là một điều không tưởng. Chỉ có một số sinh viên được Ủy ban trung ương đảng Lao động chọn mới có thể đi học ở các nước khác. Khi lựa chọn sinh viên để cử đi du học, Bình Nhưỡng kiểm tra kỹ nền tảng gia đình của họ, vì sợ rằng sinh viên có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa tư bản nước ngoài. Những người này sẽ được giáo dục và xác minh tư tưởng trước khi xuất cảnh. Trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học, các du học sinh phải chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền từ 6 tháng đến một năm do chính quyền lo ngại hệ tư tưởng của họ bị ảnh hưởng. Nhiều người Bắc Triều Tiên đã du học ở nước ngoài có trí tuệ và tư duy cởi mở hơn những người chỉ được giáo dục ở trong nước, và họ có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa tư bản.


Để vào các trường đại học danh tiếng, được coi là con đường tắt dẫn đến thành công, sĩ tử phải đạt điểm cao trong kỳ thi và có xuất thân gia đình phù hợp. Vì vậy, những người sinh ra đã ngậm thìa bạc sẽ có cơ hội đỗ vào những trường như vậy cao hơn. Cuộc cạnh tranh vào đại học ở Bắc Triều Tiên cũng khốc liệt không kém ở Hàn Quốc, và xu hướng này có thể sẽ còn tiếp tục.

Tin mới nhất