Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Núi Baekdu ở Bắc Triều Tiên

2020-07-23

ⓒ YONHAP News

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 31/5 đưa tin khu vực núi Baekdu (Bạch Đầu) đang thu hút nhiều sự chú ý của giới địa chất quốc tế vì có tính đa dạng sinh học cũng như ý nghĩa địa chất quan trọng. Theo KCNA, năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã nộp đơn đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận núi Baekdu là công viên địa chất toàn cầu. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về ngọn núi này cũng như nỗ lực của miền Bắc để đem về danh hiệu công viên địa chất toàn cầu cho khu vực núi Baekdu cùng giáo sư Chung Eun-chan từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.


Núi Baekdu và khu vực lân cận hướng tới điểm đến du lịch hấp dẫn

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã nhiều lần tới thị sát thành phố Samjiyon kể từ khi chỉ thị phát triển khu vực năm 2016. Samjiyon là một trong những dự án phát triển khu du lịch lớn của Bắc Triều Tiên, bên cạnh suối nước nóng ở Yangdok và khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma. Có vẻ Bắc Triều Tiên đang muốn đưa Baekdu vào mạng lưới công viên địa chất thế giới của UNESCO để được quốc tế công nhận trước, rồi đẩy nhanh tiến độ thu hút khách du lịch tới đây.

Núi lửa Baekdu đang thu hút nhiều khách du lịch hàng năm nhờ các đặc điểm địa chất nổi tiếng thế giới và giá trị sinh thái đặc biệt. Khách du lịch đến đây có thể tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương ở ba tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc, gồm cả những người gốc Hàn sinh sống ở khu tự trị Yanbian (Diên Biên), tỉnh Jilin (Cát Lâm). Du khách cũng có thể tham quan các di tích từ cuộc kháng chiến chống thực dân Nhật Bản. Đối với khách du lịch Hàn Quốc, các điểm đến chính là cây thông ở thành phố Long Tỉnh (Trung Quốc); bảo tàng đấu tranh giành độc lập của dân tộc Hàn trong thời kỳ thuộc địa; quê hương của cố nhà thơ Hàn Quốc Yun Dong-ju, nổi tiếng với các tác phẩm trữ tình và kháng chiến; và một số di tích lịch sử thời vương quốc cổ đại Goguryeo.


Là phương tiện gây dựng lòng sùng bái đối với gia tộc họ Kim cầm quyền

Núi Baekdu là một tài nguyên du lịch rất giá trị. Trên hết, Bắc Triều Tiên sử dụng ngọn núi này làm phương tiện gây dựng lòng sùng bái dành cho ba thế hệ lãnh đạo trong gia tộc cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Miền Bắc tuyên truyền ngọn núi này là nơi diễn ra cuộc kháng chiến vũ trang chống Nhật do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành dẫn dắt, nhằm biện minh cho chế độ cai trị độc tài của nước này. Bắc Triều Tiên cũng khẳng định con trai Kim Jong-il của ông Kim Nhật Thành ra đời trong một trại bí mật ở núi Baekdu để hợp pháp hóa việc kế thừa quyền lực, mặc dù các tài liệu của Nga chỉ ra rằng ông sinh ra ở Liên Xô cũ. Con trai ông Kim Jong-il là nhà lãnh đạo hiện tại Kim Jong-un cũng nhấn mạnh ông thuộc dòng máu Baekdu, chỉ gia tộc cầm quyền họ Kim, để củng cố sức mạnh độc chiếm quyền lực của dòng dõi huyết thống. Chủ tịch Kim Jong-un đã nhiều lần leo lên ngọn núi này trước khi đưa ra các quyết định chính sách lớn.


Hai miền Nam-Bắc cần chung tay bảo vệ di sản văn hóa lịch sử của dân tộc Hàn

Phía Trung Quốc cũng đã và đang chú trọng phát triển núi Baekdu, tích cực theo đuổi xây dựng một khu nghỉ mát trượt tuyết quốc tế và sân bay trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đẩy mạnh các kế hoạch phát triển này mà không thảo luận với Bắc Triều Tiên đã dẫn đến tranh cãi. Nhiều ý kiến nghi ngờ Trung Quốc cũng đang nỗ lực đưa núi Baekdu vào danh sách công viên địa chất và di sản thiên nhiên toàn cầu của UNESCO. Nước này cũng viết tên ngọn núi là “Changbai” (Trường Bạch) trên bản đồ thế giới, tương tự như Nhật Bản gọi đảo Dokdo của Hàn Quốc là “Takeshima”. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã ký một hiệp ước ở vùng biên giới núi vào ngày 12/10/1962. Thời điểm đó, hai nước đã đồng ý chia sẻ miệng núi lửa Chonji trên đỉnh núi, Bắc Triều Tiên sở hữu 54,5% và Trung Quốc 45,5 %. Hai miền Nam-Bắc cần hợp lực để Bắc Triều Tiên kiểm soát hiệu quả núi Baekdu.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã cùng giơ tay cười rạng rỡ trên Janggun, núi Baekdu vào ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 20/9/2018. Nhiều người vẫn còn nhớ cảnh tượng cảm động đó.

Núi Baekdu không chỉ là thắng cảnh tự nhiên mà còn là di sản văn hóa lịch sử của cả hai miền Nam-Bắc. Hy vọng hai miền sẽ chung tay hợp tác nghiên cứu học thuật và đề xuất nhiều chính sách khác nhau để phát triển và bảo tồn ngọn núi, nơi được coi là nguồn gốc thiêng liêng của dân tộc Hàn.

Tin mới nhất