Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên bị cáo buộc đang vận hành các căn cứ tên lửa bí mật

Tin nổi bật trong tuần2018-11-13
Bắc Triều Tiên bị cáo buộc đang vận hành các căn cứ tên lửa bí mật

Báo cáo về căn cứ tên lửa Sakkanmol ở huyện Hwangju, tỉnh Bắc Hwanghae của Bắc Triều Tiên, có thể trở thành rào cản cho đối thoại Mỹ-Triều, trong bối cảnh Hội đàm cấp cao song phương, dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 vừa qua và đã bị hoãn lại, tiếp tục có khả năng bị trì hoãn trong tương lai. Do đó, báo cáo này có thể làm dấy lên nghi ngờ về sự trung thực của Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa.


Mỹ phát hiện 13 căn cứ tên lửa ở miền Bắc

Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 12/11 đã công bố báo cáo cho biết: cơ quan này đã xác định được vị trí của 13 căn cứ tên lửa mà Bắc Triều Tiên vẫn chưa khai báo và tiến hành phân tích căn cứ Sakkanmol. Căn cứ tên lửa Sakkanmol cách Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) 85 km về phía Bắc, và cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc 135 km về hướng Tây Bắc. Căn cứ này nằm trong một thung lũng chật hẹp của vùng đồi núi hiểm trở, và có một đơn vị quân đội đồn trú ở đây để vận hành tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Báo cáo chỉ ra rằng đây là căn cứ chiến thuật thuộc quân chiến lược, chỉ huy chiến lược tên lửa đạn đạo của miền Bắc. Đồng thời, theo báo cáo trên, căn cứ tên lửa Sakkanmol hiện đang vận hành tên lửa Hwasong-5 và Hwasong-6.


Căn cứ tên lửa Sakkanmol

Trong căn cứ Sakkanmol có 7 đường hầm dài, đủ để tối đa 18 xe vận chuyển tên lửa có thể vào được. Báo cáo trên phân tích rằng: hiện tại, căn cứ này vẫn đang được hoạt động và đã được duy trì trong thời gian khá lâu. CSIS bày tỏ lo ngại việc dư luận gần đây đang đặt mối quan tâm đến việc Bắc Triều Tiên cho phá dỡ bãi phóng vệ tinh ở khu vực biển Tây, đã làm khỏa lấp đi những mối đe dọa quân sự đối với quân đội Hàn Quốc đến từ các căn cứ tên lửa chưa được miền Bắc khai báo, điển hình là căn cứ Sakkanmol. Trước đó, vào ngày 10/3/2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực căn cứ Sakkanmol. Khi đó, tên lửa được phỏng đoán là Scud-C đã bay 500 km và rơi xuống vùng biển phía Đông.


Lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lại rằng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 diễn ra ở Singapore, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã cam kết sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hủy bỏ chương trình tên lửa đạn đạo. Điều này cho thấy Washington vẫn đang cân nhắc đưa ra nhận định rằng căn cứ tên lửa Sakkanmol là có đi trái với tinh thần của Hội nghị thượng định Mỹ-Triều tại Singapore hay không. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Edward J. Markey, nhân sự thuộc đảng đối lập Dân chủ của Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ, đã đưa ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trở thành con rối của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, do đó, không nên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Nói cách khác, bất cứ ai cũng không nên đối thoại với Bắc Triều Tiên, nếu nước này tiếp tục không có động thái phi hạt nhân hóa một cách cụ thể và rõ ràng. Báo cáo của CSIS lần này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, vì có thể khiến cho luồng ý kiến phản đối đối thoại tại nước Mỹ tăng cao, gây cản trở cho đối thoại Mỹ-Triều.


Tin mới nhất