Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ lần đầu đánh giá chính thức về năng lực tên lửa của Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2019-07-11
Mỹ lần đầu đánh giá chính thức về năng lực tên lửa của Bắc Triều Tiên

Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên không phải đầu đạn hạt nhân, mà là năng lực tên lửa của miền Bắc. Dù Bình Nhưỡng sở hữu đầu đạn hạt nhân, nhưng nếu tên lửa của nước này không thể vươn tới được mục tiêu, thì cũng trở nên vô dụng. Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc ngày 11/7 đã lần đầu tiên thừa nhận tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Theo đó, có thể coi Washington đã gián tiếp thừa nhận Bình Nhưỡng là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.


Miền Bắc không ngừng phát trển tên lửa

Trong hàng chục năm qua, chính quyền miền Bắc đã dốc toàn bộ nguồn lực quốc gia để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau Thỏa thuận hạt nhân Geneva năm 1994, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục âm thầm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trải qua ba đời lãnh đạo, là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Kim Jong-il và nay là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là bởi nước này nhận định vũ khí hủy diệt hàng loạt là phương án duy nhất giúp bảo đảm thể chế cho miền Bắc trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Kết quả là Bình Nhưỡng đã hoàn thiện được hệ thống tên lửa đạn đạo, có thể gắn đầu đạn hạt nhân và tấn công bất kỳ mục tiêu nào. 


Phân loại tên lửa

Tùy theo hệ thống dẫn đường, tên lửa được chia làm hai loại, là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Tên lửa hành trình là toàn bộ quá trình bay của tên lửa được lập trình cho tới khi đánh trúng được mục tiêu. Do đó, tên lửa có thể tấn công chính xác mục tiêu, nhưng bay chậm và thấp hơn so với tên lửa đạn đạo, nên dễ bị đánh chặn hơn. Trong khi đó, tên lửa đạn đạo chỉ được dẫn đường ở quá trình đốt nhiên liệu tên lửa đẩy, sau đó tên lửa hoàn toàn tự bay cho đến khi tới mục tiêu. Tên lửa đạn đạo có thể bay vượt ra ngoài tầng khí quyển, rồi sau đó lại quay trở lại, nhắm vào mục tiêu, nên rất khó đánh chặn. Tên lửa đạn đạo được chia thành tên lửa tầm ngắn, tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ngoài ra, còn có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Bất chấp việc đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là nạn đói quy mô lớn, nhưng chính quyền miền Bắc đã hoàn thiện được hệ thống tên lửa đạn đạo. Tên lửa Scud của nước này có tầm bắn tối đa được phỏng đoán là 729 km, được phân loại là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Miền Bắc còn phát triển được hai tên lửa đạn đạo tầm trung, có tầm bắn khoảng 1000 km, là tên lửa Sao Bắc Cực và tên lửa Rodong. Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc thừa nhận tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 của miền Bắc có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn phát triển được tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, và đang trong quá trình đóng một tàu ngầm để phóng loại tên lửa này.


Vũ khí hủy diệt hàng loạt là những loại vũ khí có khả năng gây sát thương và phá hủy hạ tầng quy mô lớn, có thể kể đến như tên lửa hạt nhân. Mục đích của vũ khí hủy diệt hàng loạt không phải nhằm vô hiệu hóa quân địch trên chiến trường để giành chiến thắng, mà là nhằm tấn công vào các cơ sở sản xuất ở hậu phương, phá hủy các thành phố lớn, bẻ gãy năng lực chiến đấu của đối phương. Rốt cuộc, mục tiêu của vũ khí hủy diệt hàng loạt chính là nhắm vào người dân thường và đó là lý do cộng đồng quốc tế cấm việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.


Mỹ đánh giá năng lực tên lửa của miền Bắc

Hiện tại, Mỹ đang đề ra mục tiêu là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Điều này mang ý nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả việc dừng phát triển. Do đó, phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên mang ý nghĩa bao quát, từ tên lửa đạn đạo cho tới cả đầu đạn hạt nhân. Việc Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đưa ra đánh giá chính thức về năng lực tên lửa của Bắc Triều Tiên được xét theo hai khía cạnh. Trước tiên, điều này hàm ý rằng Mỹ coi Bắc Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân. Trước đó, Washington từng nêu ra lập trường là coi việc Bắc Triều Tiên “đóng băng hạt nhân” là “cánh cửa” đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa. Thứ hai, Mỹ thừa nhận cần đánh giá một cách chính xác về năng lực chiến đấu của đối phương.

Tin mới nhất