Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Gia đình ly tán liên Triều mất dần cơ hội đoàn tụ

Tin nổi bật trong tuần2019-09-13
Gia đình ly tán liên Triều mất dần cơ hội đoàn tụ

Cơ hội được đoàn tụ với người thân của các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đang ngày một thấp dần. Trong số những người đăng ký đoàn tụ, gần 60% đã qua đời, và tỷ lệ này đang ngày càng lớn hơn theo thời gian. Mặc dù thời gian đang rất gấp gáp, cần những đối sách tích cực từ Chính phủ, nhưng nhu cầu đoàn tụ của các gia đình lại bị cản trở bởi những lý do chính trị.


 Thực trạng ly tán

Trước đây, hai miền Nam-Bắc thường tổ chức chương trình đoàn tụ vào những ngày lễ lớn của dân tộc, như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Vậy nhưng, Tết Trung thu năm nay đang trôi qua mà không có bất cứ một cuộc đoàn tụ nào. Tại Hàn Quốc, khi nhắc tới các gia đình bị ly tán, người ta thường nói thêm cụm từ “10 triệu”. Mặc dù “10 triệu” không phải là con số chính xác, nhưng mang hàm ý có nhiều hơn thế nữa các gia đình vẫn đang trong hoàn cảnh bị ly tán với người thân. Đây là hệ lụy từ chiến tranh, từ sự chia cắt kéo dài hơn nửa thế kỷ, và đường ranh giới đình chiến ngặt nghèo hơn bất cứ đường biên giới nào trên thế giới. Người dân hai miền Nam-Bắc thậm chí không thể qua lại, trao đổi thông tin, cũng như không biết rõ sự sống còn của người thân. Mặc dù cơ hội đoàn tụ đã được mở ra phần nào nhờ chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán liên Triều, nhưng tỷ lệ đoàn tụ trên thực tế là rất ít ỏi so với số lượng các gia đình bị ly tán.


Con đường đầy gian nan 

Hai miền Nam-Bắc lần đầu xúc tiến tổ chức chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán liên Triều vào năm 1971. Khi đó, Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc đã đề xuất với Hội chữ thập đỏ Bắc Triều Tiên tổ chức “Hội đàm vì cuộc vận động tìm kiếm 10 triệu gia đình bị ly tán”. Miền Bắc đã hưởng ứng đề xuất này và hai bên tổ chức Hội đàm chữ thập đỏ liên Triều đầu tiên tại Bàn Môn Điếm vào ngày 12/8 cùng năm. Tuy nhiên, phải mất tới gần 15 năm sau, cuộc đoàn tụ đầu tiên mới được tổ chức. Mặc dù chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán là vấn đề nhân đạo đơn thuần, tưởng chừng sẽ không gặp phải nhiều trở ngại, nhưng rốt cuộc lại bị cản trở bởi vô vàn những vấn đề chính trị.
 
 Để tổ chức cuộc hội đàm chữ thập đỏ chính thức, hai miền phải tiến hành tới 25 cuộc họp trù bị trong suốt một năm. Trong cuộc hội đàm chính thức, Hội chữ thập đỏ miền Nam đề xuất xác nhận địa chỉ những gia đình bị ly tán còn sống, tiến hành trao đổi thư từ, tổ chức thăm lại quê hương và đoàn tụ trực tiếp. Tuy nhiên, Hội chữ thập đỏ miền Bắc lại đưa ra những điều kiện đầy khó khăn, như miền Nam phải xóa bỏ Luật an ninh quốc gia, giải thể các tổ chức có khuynh hướng chống chủ nghĩa cộng sản. Rốt cuộc, Hội đàm chữ thập đỏ liên Triều bị gián đoạn sau khoảng một năm. Sau đó, hội đàm được nối lại nhân việc Hội chữ thập đỏ miền Nam gửi vật phẩm hỗ trợ giúp miền Bắc khắc phục thiệt hại do lũ lụt vào năm 1980. Tuy nhiên, hội đàm vẫn tiếp tục gặp nhiều trở ngại và phải tới tháng 5 năm 1985, hai bên mới gần đạt tới một thỏa thuận. Trong Hội đàm chữ thập đỏ lần thứ 8, hai miền Nam-Bắc nhất trí tổ chức cho các gia đình bị ly tán thăm lại quê hương và giao lưu đoàn nghệ thuật hai miền. Chuyến thăm lại quê hương đầu tiên của các gia đình bị ly tán và chương trình giao lưu nghệ thuật liên Triều lần đầu được tổ chức từ ngày 20-23/9 năm 1985. Trong chuyến thăm lại quê hương, mỗi miền cử tổng cộng 151 người, trong đó có 51 thành viên các gia đình bị ly tán, 50 phóng viên và nhân lực hỗ trợ, 50 nghệ sĩ tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật.
 
Tuy nhiên, Hội đàm chữ thập đỏ liên Triều liên tiếp bị ngắt quãng do miền Bắc đưa ra những yêu cầu chính trị. Phải tới năm 2000, cánh cửa đối thoại mới được mở ra sau Tuyên bố Berlin của Tổng thống Kim Dae-jung và Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất. Căn cứ theo nội dung nhất trí trong Tuyên bố chung liên Triều ngày 15/6/2000, hai miền đã tổ chức cho các gia đình bị đi ly tán thăm lại quê hương vào dịp Quốc khánh 15/8 cùng năm. Từ đó cho tới năm 2010, đã có tổng cộng 18 đợt đoàn tụ được thực hiện. Từ năm 2015, hai bên còn tổ chức kèm chương trình đoàn tụ qua video. 


Tưởng chừng như chương trình đoàn tụ giờ đây sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm. Vậy nhưng, kể từ sau năm 2010, chương trình này có lúc bị gián đoạn mấy năm liền do quan hệ Nam-Bắc xấu đi. Lần đoàn tụ gần đây nhất là vào tháng 8 năm 2018, đợt thứ 21. Kể từ đó cho tới nay, chương trình vẫn chưa được xúc tiến lại. Theo thống kê, đã có khoảng 4.500 cuộc đoàn tụ trực tiếp và 560 cuộc đoàn tụ qua video đã được tổ chức, chỉ bằng chưa đầy 4% số người đăng ký đoàn tụ.



Tin mới nhất