Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Nội bộ Chính phủ Mỹ bất đồng về vụ Bắc Triều Tiên thử vũ khí 

Tin nổi bật trong tuần2019-05-30
Nội bộ Chính phủ Mỹ bất đồng về vụ Bắc Triều Tiên thử vũ khí 

Gần đây, các quan chức hàng đầu Mỹ đang đưa ra ý kiến trái chiều xung quanh hai vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng 5, dấy lên nghi ngờ nội bộ chính quyền Mỹ đang ngày càng bất đồng nghiêm trọng hơn.


Nhận định trái chiều trong nội bộ Mỹ về vụ phóng vũ khí của miền Bắc

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngày 29/5 nhận định vật thể phóng của Bắc Triều Tiên là “tên lửa tầm ngắn” và động thái khiêu khích của miền Bắc là vi phạm nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nhận định này của ông Shanahan hoàn toàn đối lập với phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, ngày 25/5, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Bình Nhưỡng là vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an. Nhưng Tổng thống Trump đã phủ nhận lập trường này thông qua Twitter cá nhân vào ngày 26/5 và trong buổi họp báo tại Nhật Bản vào ngày 27/5. Ông Trump khẳng định vật thể phóng của miền Bắc là “vũ khí nhỏ” và không đồng tình với nhận định rằng động thái của Bắc Triều Tiên là vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an. Tuy nhiên, ngày 29/5, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan lại đứng ra phản bác quan điểm của Tổng thống Trump.


Nỗ lực duy trì động lực đối thoại với miền Bắc của Mỹ và Hàn Quốc

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã thực hiện hai vụ phóng vũ khí vào ngày 4/5 và 9/5. Vụ phóng ngày 4/5 không gây nhiều tranh cãi. Cả Hàn Quốc và Mỹ chỉ nhận định ở mức độ là “vật thể phóng” để giảm bớt ý nghĩa vụ phóng, nhằm tập trung duy trì xung lực đối thoại. Nhưng về vụ phóng lần thứ hai vào ngày 9/5, cho dù là có cố gắng giảm nhẹ đi ý nghĩa thế nào đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận rằng đây là vụ phóng tên lửa.

Mặc dù vậy, Seoul và Washington đều hết sức hạn chế sử dụng cụm từ “tên lửa đạn đạo”. Bởi một khi khẳng định là tên lửa đạn đạo, thì động thái của miền Bắc chắc chắn vi phạm nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an. Điều này dẫn đến biện pháp trừng phạt, cũng như làm suy yếu động lực đối thoại với Bình Nhưỡng, nhất là trong bối cảnh bầu không khí giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên không mấy khả quan do Mỹ bắt giữ tàu chở hàng miền Bắc.


Nghi vấn rạn nứt trong nội bộ Chính phủ Mỹ

Lập trường của Tổng thống Donald Trump được hiểu là ông đang bằng mọi giá bảo vệ phương thức đối thoại “từ trên xuống”. Trên thực tế, phát biểu của Cố vấn an ninh Nhà Trắng Bolton được xem như là một nhận định đương nhiên của một người theo phe cứng rắn. Song phát ngôn của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan lại là một câu chuyện khác. Bởi khác với người tiền nhiệm James Mattis, ông Shanahan được biết đến là một người luôn trung thành thực hiện các chỉ thị của Tổng thống Trump. Do đó, phát biểu cứng rắn của ông Shanahan đã nổi lên sự rạn nứt khá lớn trong nội bộ Chính phủ Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, những động thái của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng thu hút sự chú ý. Thông qua buổi họp báo của người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ lặp lại những lập trường căn bản, đưa ra đánh giá mơ hồ khi cho rằng toàn bộ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Bắc Triều Tiên là vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh Washington vẫn đang tập trung giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao.

Các cơ quan ngôn luận của Mỹ giải thích đây là nỗ lực tiếp cận với vai trò trung gian của Ngoại trưởng Pompeo hòng làm cầu nối giữa Tổng thống Trump với cố vấn Bolton. Quả thực sẽ không quá lời nếu nhận định rằng nội bộ Chính phủ Mỹ đang trong tình trạng hỗn loạn. Với tình hình này, không ai có thể dám chắc lập trường của Mỹ về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ đi đến đâu.

Tin mới nhất