Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên hối thúc Mỹ thay đổi thái độ trong đàm phán hạt nhân 

Tin nổi bật trong tuần2019-06-05
Bắc Triều Tiên hối thúc Mỹ thay đổi thái độ trong đàm phán hạt nhân 

Động thái của miền Bắc gần đây

Nhân kỷ niệm một năm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore ngày 12/6, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã ra bình luận dưới danh nghĩa người phát ngôn, yêu cầu Washington nhanh chóng thay đổi thái độ trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Bình luận của Bộ Ngoại giao là hình thức cao nhất để Bắc Triều Tiên bày tỏ lập trường về các vấn đề nổi cộm trong và ngoài nước. Phương thức mà miền Bắc ưa chuộng là sử dụng các phương tiện truyền thông thân cận trong và ngoài nước. Bắc Triều Tiên còn hay thể hiện lập trường qua Ủy ban Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương, một tổ chức thuộc Đảng Lao động, phụ trách các dự án ngoại giao dân sự và đối ngoại. Ngoài ra, khi công bố lập trường chính thức của Chính phủ, miền Bắc cũng dùng hình thức trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA). Cao hơn mức này chính là phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao.


Thông điệp của Bình Nhưỡng gửi tới Washington

Do đó, bình luận của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên lần này được xem như là một thông điệp gửi đến Mỹ. Nội dung trọng tâm là đổ trách nhiệm cho Washington về thất bại của Hội nghị thượng đỉnh song phương ở Hà Nội hồi cuối tháng 2. Tức, việc Mỹ đơn phương yêu cầu miền Bắc giải trừ hạt nhân trước đã khiến cho hai bên không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị. Cùng với đó, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Washington rút lại yêu cầu trên và thay đổi chính sách thù địch với miền Bắc. Điều này đồng nghĩa rằng Bắc Triều Tiên sẽ giữ vững lập trường thực hiện phi hạt nhân hóa từng giai đoạn và yêu cầu Mỹ giảm nhẹ cấm vận.


Sự trở lại của các nhân vật chủ chốt miền Bắc sau thời gian vắng bóng

Trong bối cảnh này, điểm đáng quan tâm là sự trở lại của các nhân vật chủ chốt của miền Bắc trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội như Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol, Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Mỹ thuộc Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Hyok-chol và Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động miền Bắc Kim Yo-jong. Sau hội đàm thượng đỉnh lần thứ hai với Mỹ, những quan chức này đã đồng loạt vắng bóng trong suốt một thời gian, làm dấy lên một số tin đồn về việc họ đã bị kỷ luật, hoặc thanh trừng. Từng là quan chức hàng đầu của miền Bắc trong đàm phán hạt nhân với Mỹ, các cơ quan truyền thông đặt ra nghi vấn rằng ông Kim Yong-chol đã bị đày tới một trại giam chính trị. Thậm chí, có tin cho rằng miền Bắc đã bổ nhiệm người mới thay thế chức vụ Bộ trưởng Mặt trận thống nhất mà ông Kim Yong-chol từng giữ. Tuy nhiên, trái với tin đồn, trong ngày 2/6 và 3/6, ông này đã liên tiếp xuất hiện trong các hoạt động cùng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng xuất hiện trở lại vào ngày 3/6. Trước đó, nhiều tin tức cho rằng bà Kim Yo-jong đã bị kỷ luật, tạm đình chỉ công việc. Ngoài ra, Đặc phái viên Kim Hyok-chol, người bị nghi ngờ đã bị xử tử, cũng được cho là vẫn còn sống. Đài CNN của Mỹ đưa tin ông Kim Hyok-chol hiện đang bị bắt giam để điều tra. Ngoài ra, những quan chức khác trong nhóm đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội được cho là đều bình an vô sự.

Điều này chứng tỏ tin đồn trên là không đúng, song khó có thể nói những tin tức này là hoàn toàn sai sự thật. Bởi dù có thể không bị thanh trừng, nhưng với tính chất của thể chế miền Bắc, những người này ít nhất cũng bị khiển trách theo một hình thức nào đó. Các chuyên gia xem đây như là quá trình Bắc Triều Tiên phân tích các yếu tố khiến đàm phán với Mỹ thất bại để đúc kết lại chiến lược. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc miền Bắc phô trương các quan chức chủ chốt nước này vẫn còn toàn vẹn cũng thể hiện được quyết tâm duy trì đối thoại, giữ vững lập trường từ trước tới nay về phi hạt nhân hóa.


Tin mới nhất