Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Donald Trump khoe nhận được thư tay từ Chủ tịch Kim Jong-un 

Tin nổi bật trong tuần2019-06-12
Tổng thống Donald Trump khoe nhận được thư tay từ Chủ tịch Kim Jong-un 

Tổng thống Mỹ tiếp tục nhận thư tay từ nhà lãnh đạo miền Bắc

Tròn một năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump khoe đã nhận được bức thư tay “tuyệt vời” từ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Đây được xem như là một tín hiệu tích cực cho đối thoại phi hạt nhân miền Bắc. Mặc dù Tổng thống Trump không công bố cụ thể nội dung cũng như kênh nhận thư, song điều này rõ ràng cho thấy phương cách đối thoại “từ trên xuống” đang được khởi động trở lại.


Dự đoán nội dung thư

Trước đó, kỷ niệm tròn một năm Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6, Bắc Triều Tiên đã quy trách nhiệm cho Mỹ về thất bại của Hội nghị thượng đỉnh song phương ở Hà Nội hồi cuối tháng 2. Thậm chí, Bình Nhưỡng đặt thời hạn nối lại đối thoại cho đến cuối năm nay, hối thúc Washington đưa ra “tính toán mới” trong đàm phán. Trong bối cảnh này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi thư tay cho Tổng thống Donald Trump, khiến nhiều ý kiến dự đoán khả năng nội dung thư có thể hàm chứa những đề cập khá mềm mỏng. Bức thư trên nhiều khả năng nhắc lại Tuyên bố chung tại Singapore. Bên cạnh đó, miền Bắc có thể thể hiện ý muốn cùng Mỹ tiếp tục giải quyết vấn đề bằng phương thức đàm phán từ trên xuống. Và nội dung tiếp theo có thể là đề cập một phương án nào đó để tháo gỡ tình hình hiện tại, bởi hai bên hiện vẫn chưa thể thu hẹp được bất đồng ý kiến, đối thoại song phương đang trong tình trạng bế tắc.


Diễn biến quan hệ Mỹ-Triều trong một năm qua

Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6 có 4 nội dung chính là thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, nỗ lực xây dựng hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, tái khẳng định Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm 27/4/2018 và phi hạt nhân hóa miền Bắc, trao trả hài cốt tù binh và người mất tích trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Có thể nói, hai bên đã đạt được “thỏa thuận lớn” giữa việc giải trừ hạt nhân bán đảo Hàn Quốc và bảo đảm an toàn cho thể chế Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Tuyên bố chung tại Singapore đã không ghi rõ về "phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" (CVID) mà Mỹ luôn theo đuổi. Vấn đề phi hạt nhận hóa miền Bắc một cách cụ thể đã được hai bên nhất trí thảo luận trong các cuộc đàm phán tiếp theo.

Dựa trên tinh thần Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6, Bình Nhưỡng đã tiến hành trao trả hài cốt binh lính Mỹ, phá dỡ bãi thử hạt nhân, ngừng phóng thử tên lửa. Đáp lại, các cuộc tập trận của liên quân Hàn-Mỹ đã được thu hẹp quy mô hoặc hủy bỏ. Mặc dù đối thoại Mỹ-Triều sau đó gặp nhiều khó khăn, song Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai đã được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua. Khi đó, hội nghị được kỳ vọng sẽ mang đến một kết quả có ý nghĩa, nhưng cuối cùng Washington và Bình Nhưỡng đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Nguyên nhân được cho là bởi Mỹ yêu cầu các biện pháp phi hạt nhân hóa trước, trong khi Bắc Triều Tiên mong muốn được giảm nhẹ lệnh trừng phạt trước. Hơn thế, Mỹ được cho là đã yêu cầu miền Bắc tháo dỡ thêm cơ sở hạt nhân, ngoài bãi thử hạt nhân ở Yongbyun, tỉnh Bắc Pyongan. Kể từ đó, đối thoại Mỹ-Triều vẫn không thể thoát ra khỏi căng thẳng. Gần đây, Mỹ đã tiến hành bắt giữ tàu chở hàng trái phép của miền Bắc, với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận, sau khi Bắc Triều Tiên thực hiện hai vụ phóng tên lửa tầm ngắn hồi đầu tháng 5. Đối thoại song phương đã không diễn ra, mà hai bên chỉ đang gửi đi những thông điệp cáo buộc lẫn nhau. Trong bối cảnh này, Tổng thống Donald Trump công bố nhận được thư tay từ Chủ tịch Kim Jong-un, làm dấy lên kỳ vọng về một lối thoát cho đàm phán song phương.


Nan giải trong đối thoại Mỹ-Triều

Bất chấp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được tổ chức hai lần, tình hình bán đảo Hàn Quốc vẫn chưa thực sự yên bình. Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Trump đã từng tuyên bố hủy hội nghị. Khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đứng ra thực hiện vai trò trung gian, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, giúp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore diễn ra thành công, cho ra đời Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6. Tiếp đó, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội ban đầu cũng không mấy khả quan, bởi các cuộc họp cấp cao giữa hai bên đã không được tổ chức như dự kiến. Nhưng cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai cuối cùng cũng diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump nhận được bức thư tay từ Chủ tịch Kim Jong-un.

Tin mới nhất