Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Một năm sau Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6

Tin nổi bật trong tuần2019-06-15

ⓒKBS News

Ngày 12/6 vừa qua là tròn một năm Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6 tại Singapore. Ngày 11/6, Tổng thống Donald Trump thông báo đã nhận được thư tay từ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un, để ngỏ khả năng về một điều “tích cực” sắp sửa xảy ra. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng bày tỏ hy vọng sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngay trước cuối tháng 6 này.

 

Lãnh đạo Mỹ-Triều trao đổi thư từ

Trả lời phỏng vấn báo giới tại Nhà Trắng ngày 11/6, Tổng thống Donald Trump cho biết vừa nhận được một bức thư “hết sức tốt đẹp” từ nhà lãnh đạo miền Bắc. Tuy nhiên, ông Trump không tiết lộ đã nhận được bức thư này như thế nào, cũng như nội dung cụ thể của bức thư. Tổng thống Mỹ một mặt đề ngỏ khả năng về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba, nhưng mặt khác chỉ nói chung chung rằng sẽ tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo miền Bắc “sau này”. Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định việc nhận được thư từ Chủ tịch Bắc Triều Tiên, kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới tại “Diễn đàn Oslo” trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng sẽ có thể gặp Chủ tịch Kim Jong-un trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ. Tổng thống Moon nhấn mạnh lãnh đạo Mỹ-Triều cần phải sớm gặp nhau trước khi quá muộn. Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un mới là người đưa ra quyết định về việc có tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hay không, cũng như thời điểm hội nghị.

 

Một năm Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6

Vào ngày 12/6 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã có cuộc gặp gỡ lịch sử đầu tiên tại Singapore. Sau hội nghị, hai bên đã công bố Tuyên bố chung Mỹ-Triều với 4 nội dung nhất trí là: xây dựng quan hệ Mỹ-Triều mới; nỗ lực thiết lập hòa bình bán đảo Hàn Quốc; tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4 và mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách toàn diện bán đảo Hàn Quốc; Bắc Triều Tiên trao trả hài cốt các tù nhân chiến tranh cho Mỹ. Tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử to lớn, bởi đây là lần đầu tiên, lãnh đạo hai nước đạt được một thỏa thuận sau một thời gian dài trong trạng thái thù địch.

 

Cho tới cuối năm 2017, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn còn hết sức căng thẳng, như một quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2018, việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang ở Hàn Quốc đã giúp cục diện xoay chuyển theo hướng đối thoại. Tiếp đó, hai miền Nam-Bắc tổ chức hội đàm cấp cao, rồi tới Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, Tuyên bố Bàn Môn Điếm, đẩy niềm hy vọng về hòa bình lên cao độ. Kết quả là lãnh đạo Mỹ-Triều đã lần đầu gặp gỡ tại Singapore vào ngày 12/6 cùng năm. Trong quá trình đàm phán cấp chuyên viên chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, Washington và Bình Nhưỡng đã mâu thuẫn lập trường sâu sắc. Mỹ chủ trương yêu cầu miền Bắc phải phi hạt nhân hóa trước, trong khi Bắc Triều Tiên đề xuất phi hạt nhân hóa “theo giai đoạn”. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui đã công khai chỉ trích gay gắt Phó Tổng thống Mike Pence. Ngày 24/5, tức chỉ 3 tuần trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un, đẩy hội nghị vào nguy cơ bị đổ bể. Trước tình thế này, ngày 26/5, Tổng thống Moon Jae-in đã gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, tích cực vãn hồi tình hình và giúp hội nghị vẫn diễn ra thành công theo đúng kế hoạch.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Tuyên bố chung Mỹ-Triều ngày 12/6 năm ngoái được đánh giá là một khung thỏa thuận về phi hạt nhân hóa và đảm bảo an toàn cho thể chế của miền Bắc, mang ý nghĩa là bước đi đầu tiên hướng tới thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Sau đó, Bắc Triều Tiên đã trao trả hài cốt binh lính Mỹ, còn liên quân Hàn-Mỹ dừng tập trận chung, căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc giảm đi rõ rệt. Đặc biệt, miền Bắc đã dừng các động thái khiêu khích như thử hạt nhân hay phóng tên lửa. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 lại kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Kể từ đó, đối thoại Mỹ-Triều lâm vào bế tắc nghiêm trọng. Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn vào đầu tháng 5, trong khi Mỹ bắt giữ một tàu chở hàng của miền Bắc với cáo buộc vi phạm cấm vận. Trong bối cảnh trên, việc lãnh đạo Mỹ-Triều nối lại hoạt động trao đổi thư từ được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu để xoay chuyển cục diện hiện tại. Đồng thời, vai trò của Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa lại được dư luận hết sức quan tâm. Nếu cuộc gặp giữa lãnh đạo liên Triều được tổ chức trước thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào cuối tháng 6, thì rất có thể đối thoại phi hạt nhân hóa sẽ được thúc đẩy hơn nữa.

Tin mới nhất