Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ý đồ của Bình Nhưỡng đằng sau động thái khiêu khích tên lửa

Tin nổi bật trong tuần2019-07-25
Ý đồ của Bình Nhưỡng đằng sau động thái khiêu khích tên lửa

Ngày 25/7, Bắc Triều Tiên lại tiếp tục phóng hai tên lửa. Vụ phóng diễn ra chỉ hai ngày sau khi truyền thông nước này đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã đi thị sát chiếc tàu ngầm mới đóng. Một chi tiết đáng chú ý nữa là miền Bắc lại đang từ chối nhận gạo viện trợ từ Hàn Quốc. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn thông báo Ngoại trưởng Ri Yong-ho sẽ không tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Có nghĩa là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Ri Yong-ho sẽ không thể diễn ra tại diễn đàn ARF. Có thể nói, Bắc Triều Tiên đang lựa chọn thị uy sức mạnh quân sự thay vì đối thoại.


Phân tích ý đồ của miền Bắc

Xét về ngắn hạn, động thái thị uy sức mạnh quân sự lần này của Bắc Triều Tiên được phân tích là nhằm phản đối cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ được lên kế hoạch vào tháng 8 tới. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Bàn Môn Điếm vào ngày 30/6, lãnh đạo hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán cấp chuyên viên trong vòng hai đến ba tuần sau đó. Tuy nhiên, thời hạn này đã trôi qua mà đối thoại vẫn chưa được khởi động lại. Theo đó, giới phân tích nhận định Bắc Triều Tiên lại tiếp tục thực hiện chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh”, lấy cớ cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ để đẩy cao khiêu khích, nhằm lẩn tránh hội đàm cấp cao Mỹ-Triều. Đây là một chiến thuật điển hình của Bình Nhưỡng trong suốt thời gian qua.

Miền Bắc từng phóng tên lửa tầm ngắm vào 9/5 vừa qua, trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều lâm vào bế tắc kéo dài. Đến cuối tháng 6, lãnh đạo ba nước Hàn-Mỹ-Triều đã gặp nhau tại Bàn Môn Điếm. Sau cuộc gặp này, Washington và Bình Nhưỡng đã tiến hành thảo luận về địa điểm và thời điểm tổ chức họp cấp chuyên viên cho tới thời gian gần đây. Vậy nhưng, Bắc Triều Tiên lại đột ngột chuyển hướng từ đối thoại sang thị uy sức mạnh quân sự.

Cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới, nhằm kiểm tra về năng lực tác chiến thời chiến của quân đội Hàn Quốc khi xảy ra các tình huống nguy cấp. Bắc Triều Tiên đã kịch liệt phản đối dưới nhiều hình thức khác nhau, lên án kế hoạch tập trận đã phá vỡ lời hứa giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, ảnh hưởng tới đàm phán cấp chuyên viên.

 Sau đó, miền Bắc từng bước có những động thái thị uy sức mạnh quân sự, như việc Chủ tịch Kim Jong-un thị sát tàu ngầm, và tiếp theo là phóng tên lửa. Trong quá trình này, Bình Nhưỡng còn tỏ ý không muốn nhận gạo viện trợ từ Seoul, thông báo việc Ngoại trưởng Ri Yong-ho sẽ không tham Diễn đàn khu vực ASEAN. Dự báo trong thời gian tới, Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục trì hoãn đối thoại, gây sức ép với Mỹ.


Bắc Triều Tiên cần thêm thời gian

Một giải thích thuyết phục về động thái trên của miền Bắc là nước này cần thêm thời gian. Kể từ sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi cuối tháng 2, Bắc Triều Tiên đã thay thế các quan chức phụ trách đàm phán với Mỹ. Thậm chí, từng có tin đồn Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng lao động Kim Yong-chol, người đứng đầu phụ trách đàm phán với Mỹ, đã bị chính quyền nước này thanh trừng. Có phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên đã tiến hành đánh giá lại về quá trình và chiến lược đàm phán sắp tới với Mỹ. Việc nước này cần thêm thời gian cho thấy Bình Nhưỡng vẫn chưa hoàn tất chiến lược đối thoại với Washington, chưa thực sự đồng tình với khái niệm phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, lần cuối cùng như Mỹ yêu cầu. Ngoài ra, có thể miền Bắc vẫn chưa quyết định về việc sẽ yêu cầu Mỹ có bước đi tương ứng ra sao. Do đó, Bình Nhưỡng vẫn tạm thời tránh đối thoại, chọn cách thị uy sức mạnh quân sự để gây sức ép với Washington, để dành thời gian xem xét lại chiến lược đàm phán. Bởi thế, mặc dù Bắc Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không đẩy cục diện hiện nay đến mức đối đầu toàn diện, nhưng dự kiến sẽ mất nhiều thời gian để đối thoại Mỹ-Triều thực sự được nối lại.



Tin mới nhất