Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bình Nhưỡng thừa nhận đã phóng tên lửa nhằm thị uy sức mạnh với Seoul 

Tin nổi bật trong tuần2019-07-26
Bình Nhưỡng thừa nhận đã phóng tên lửa nhằm thị uy sức mạnh với Seoul 

Khẳng định của Bắc Triều Tiên về vụ phóng tên lửa

Liên quan đến vụ phóng tên lửa vào sáng sớm ngày 25/7, Bắc Triều Tiên đã công khai thừa nhận đây là động thái nhằm “thị uy sức mạnh”, và “cảnh cáo” đối với Hàn Quốc, nhưng không đề cập đến Mỹ. Do đó, có thể nói vụ phóng tên lửa vừa qua là một chiến lược hòng đe dọa Seoul, trong cuộc đấu trí với Washington liên quan tới việc tổ chức đàm phán cấp chuyên viên về phi hạt nhân hóa. Tức, miền Bắc không trực tiếp chỉ trích Mỹ là để giữ “mồi lửa” đối thoại song phương.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 26/7 đã đưa tin về vụ phóng tên lửa với hai nội dung trọng tâm. Một là khẳng định tên lửa vừa phóng là “vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới”, hai là thừa nhận đây là “động thái thị uy sức mạnh”. KCNA giới thiệu vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới là loại tên lửa dẫn đường chiến thuật bay ở tầm thấp, khó có thể đánh chặn.


Vụ phóng tên lửa của miền Bắc ngày 25/7

Quân đội Hàn Quốc ngày 25/7 thông báo Bắc Triều Tiên đã phóng hai tên lửa vào lúc 5 giờ 34 phút và 5 giờ 57 phút sáng sớm cùng ngày. Theo phân tích của Seoul và Washington, tầm bắn của hai tên lửa được xác định đạt khoảng 600 km, và đều đạt độ cao trên 50 km. Miền Bắc đã điều chỉnh góc bắn thấp. Đặc biệt, tên lửa phóng lần hai còn được khởi động tính năng tránh bị đánh chặn giai đoạn cuối. Giới phân tích phỏng đoán tên lửa mà miền Bắc đã phóng có thể là phiên bản hoàn chỉnh của tên lửa KN-23 được phóng đúng với tầm bắn.

KN-23 là “tên lửa Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên”, được chế tạo mô phỏng theo, hoặc cải tiến từ tên lửa có khả năng tránh bị đánh chặn ở tầm cao Iskander của Nga. Tên lửa Iskander có quỹ đạo bay khá phức tạp. Khi đạt độ cao lớn nhất, tên lửa sẽ rơi xuống đột ngột, rồi bay theo chiều ngang, cuối cùng là rơi theo phương thẳng đứng vào trúng mục tiêu.

Ngoài ra, độ cao của tên lửa vừa phóng là khá thấp. Độ cao 50 km tương ứng với “điểm mù” của Tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD), hay tên lửa đánh chặn trên mặt đất PAC-3. Ở độ cao này, tên lửa chỉ có thể bay được khoảng 500 km. Tuy nhiên, tên lửa phóng lần này đã bay tới hơn 600 km, cho thấy được sự cải thiện đáng kể về kỹ thuật. Nói cách khác, với tầm bắn khoảng 600 km, tên lửa có thể nhắm đến mục tiêu là toàn bộ lãnh thổ miền Nam, mà vẫn có thể dễ dàng tránh bị đánh chặn.


Toan tính của Washington và Bình Nhưỡng

Điều bất thường là Bình Nhưỡng đã thừa nhận vụ phóng tên lửa vừa qua là động thái “thị uy sức mạnh”. Điều này được hiểu là nhằm đối phó với việc Seoul tiến hành nhập vũ khí tối tân như máy bay tàng hình, và cuộc tập trận quân sự chung của liên quân Hàn-Mỹ mang tên “Dongmaeng 19-2” (Đồng minh 19-2) sắp tới. Tức, động thái này còn có nghĩa là Bắc Triều Tiên bỏ qua Hàn Quốc, để đối thoại ngang hàng với Mỹ. Trên thực tế, ý đồ của Bình Nhưỡng là nhằm củng cố vị thế là một nước sở hữu hạt nhân, từ đó nâng cao năng lực đàm phán với Washington. Do đó, miền Bắc đã cảnh cáo Hàn Quốc một cách công khai, mà không hề đề cập gì đến Mỹ. Trước đó, Bắc Triều Tiên đã từ chối nhận 50.000 tấn gạo viện trợ của Hàn Quốc.

Bất chấp động thái khiêu khích tên lửa của miền Bắc, Washington vẫn bày tỏ kỳ vọng đạt được tiến triển trong đàm phán cấp chuyên viên song phương. Đây cũng được cho là ý đồ của Tổng thống Donald Trump, hòng lấy vấn đề nóng Bắc Triều Tiên làm lợi thế trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Nhận thức được điều này, Bình Nhưỡng cũng từng đề xuất thời hạn đàm phán là vào khoảng cuối năm nay. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ một mặt lại quy kết vũ khí phóng lần này của miền Bắc là “tên lửa đạn đạo”, để ngỏ khả năng sẽ áp thêm biện pháp cấm vận với nước này. Theo đó, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên trong tương lai sẽ ở thế giằng co hơn nữa, trong khi các bên phải tìm ra lối thoát cho “cuộc chiến cân não”. 

Tin mới nhất