Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa

Tin nổi bật trong tuần2019-08-03

ⓒYONHAP News

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 2/8 cho biết Bắc Triều Tiên đã phóng hai vũ khí tầm ngắn chưa xác định, từ khu vực Yonghung, tỉnh Nam Hamgyong, về phía biển Đông, vào lúc 2 giờ 59 phút và 3 giờ 23 phút rạng sáng cùng ngày. Như vậy là nối tiếp vụ phóng tên lửa vào ngày 31/7, Bắc Triều Tiên đã ba lần khiêu khích tên lửa chỉ trong vòng một tuần qua. Động thái này của miền Bắc được cho là vừa nhằm thị uy sức mạnh quân sự để phản đối cuộc tập trận chung của liên minh Hàn-Mỹ, vừa nhằm thúc đẩy đối thoại.

 

Các vụ phóng tên lửa của miền Bắc

Hội đồng tham mưu trưởng cho biết vũ khí mà Bắc Triều Tiên phóng vào sáng cùng ngày có vận tốc bay tối đa đạt Mach 6,9, tầm bắn 220 km, độ cao khoảng 25 km. Vũ khí này có những đặc điểm bay tương tự với vũ khí miền Bắc đã phóng cách đó hai ngày, mà quân đội đã kết luận là “tên lửa đạn đạo tầm ngắn kiểu mới”. Tuy nhiên lần này, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chưa kết luận đây là tên lửa đạn đạo.

 

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 25/7 và 31/7. Trong vụ phóng ngày 25/7, miền Bắc bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có tầm bắn đạt 600 km, độ cao khoảng 50 km. Cả hai tên lửa được xác nhận là đã rơi xuống vùng biển quốc tế trên biển Đông. Tiếp đó, vào ngày 31/7, miền Bắc phóng hai tên lửa có độ cao 30 km, tầm bắn 250 km. Quân đội Hàn Quốc đã công bố kết luận đây là tên lửa đạn đạo, nhưng miền Bắc lại tuyên bố đó là “pháo phản lực cỡ nòng lớn kiểu mới”.

 

Cách đây gần 3 tháng, vào ngày 4 và 9/5, Bắc Triều Tiên cũng đã phóng hai tên lửa, được phỏng đoán là tên lửa KN-23, hay tên lửa “Iskander” của Nga phiên bản miền Bắc. Đây là loại tên lửa có quỹ đạo bay phức tạp và rất khó đánh chặn.

 

Ý đồ của Bắc Triều Tiên

Các động thái khiêu khích trên của Bắc Triều Tiên được tiến hành sau khi thời hạn nối lại đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều là khoảng cuối tháng 7, trôi qua. Trước đó, đối thoại Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc sau vụ phóng tên lửa của miền Bắc hồi đầu tháng 5. Đến ngày 30/6, lãnh đạo hai nước đã gặp nhau tại Bàn Môn Điếm, nhất trí khởi động đàm phán cấp chuyên viên trong vòng hai đến ba tuần sau đó.

 

Bắc Triều Tiên từng tuyên bố việc phóng tên lửa của nước này nhằm mục đích thị uy sức mạnh quân sự. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 26/7 đưa tin: Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ đạo vụ phóng tên lửa một ngày trước đó (25/7). KCNA nói rằng đây là một động thái thị uy sức mạnh của “vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới”, nhằm truyền đi thông điệp cảnh cáo cứng rắn với Chính phủ miền Nam, vốn đang có kế hoạch nhập thêm vũ khí tấn công tối tân và tiến hành tập trận chung với Mỹ. Điều này cho thấy Bắc Triều Tiên đang hướng mũi tên vào Hàn Quốc, chứ không phải Mỹ. Bình Nhưỡng muốn khiêu khích để gây sức ép, sao cho vừa không phá vỡ khung đối thoại, vừa tránh được cấm vận từ cộng đồng quốc tế.

 

Đối phó và triển vọng

Bắc Triều Tiên đã từ chối nhận 50.000 tấn gạo viện trợ nhân đạo từ Hàn Quốc, đồng thời thông báo Ngoại trưởng nước này sẽ không tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Thái Lan. Các động thái này cho thấy Bình Nhưỡng đang đóng tất cả các cánh cửa đối thoại, tập trung vào việc khiêu khích. Đây là một chiến thuật điển hình của miền Bắc mỗi khi chuẩn bị tiến hành đối thoại, được biết đến là chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”.

 

Về phần mình, Washington đánh giá các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Bình Nhưỡng không uy hiếp trực tiếp tới an ninh nước Mỹ, thể hiện quyết tâm duy trì động lực đối thoại vớimiền Bắc. Trong bối cảnh đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 1/8 đã mở cuộc họp khẩn về động thái phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc họp chỉ dừng lại ở việc đưa ra tuyên bố chung giữa ba nước là Anh, Pháp và Đức, với nội dung hối thúc Bình Nhưỡng có động thái phi hạt nhân hóa một cách thực chất, nối lại đàm phán Mỹ-Triều, kêu gọi các nước thực thi triệt để cấm vận với miền Bắc. Được biết, Mỹ đã không đưa ra bất cứ lập trường nào trong cuộc họp này, và cũng không tham gia vào tuyên bố trên.

 

Dự báo, cuộc đấu trí giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng căng thẳng hơn trước thềm đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước. Theo đó, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ lại tiếp tục khiêu khích tên lửa trong thời gian tới.

Tin mới nhất