Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Mỹ nóng lòng đạt thành quả trong vấn đề Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2019-09-12
Tổng thống Mỹ nóng lòng đạt thành quả trong vấn đề Bắc Triều Tiên

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton được phân tích là đã cho thấy lãnh đạo Nhà Trắng đang hết sức nóng lòng đạt được một thành tựu ngoại giao lớn để tái đắc cử thành công. Truyền thông nước Mỹ chỉ ra rằng điều này có thể dẫn tới rủi ro là Washington sẽ đưa ra một thỏa thuận nóng vội trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.


Bác bỏ “mô hình Li-bi”
 
Vào ngày 10/9, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump công bố quyết định sa thải ông Bolton. Một ngày sau, ông Trump tiếp tục chỉ trích việc cựu Cố vấn Bolton từng đề cập tới “mô hình Li-bi” trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là “một sai lầm lớn”. Tổng thống Mỹ thậm chí còn nhắc đến kết cục của nhà lãnh đạo Li-bi, Muammar al-Gaddafi, người từng chấp thuận phi hạt nhân hóa năm 2003, rồi sau đó bị lật đổ và giết hại vào năm 2011. Phát biểu của Tổng thống Mỹ mang hàm ý ông sẽ không để tái diễn trường hợp Gaddafi, người rốt cuộc đã mất tất cả quyền lực và tính mạng do vấn đề hạt nhân. Điều này cũng cho thấy Tổng thống Trump muốn khẳng định về việc đảm bảo an toàn cho thể chế và chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cựu Cố vấn Bolton là người theo đường lối “diều hâu”, siêu cứng rắn với Bắc Triều Tiên. Ông này từng đề xuất “tấn công phủ đầu” miền Bắc, hay “mô hình Li-bi”, tức yêu cầu Bình Nhưỡng phải giải trừ hạt nhân trước rồi mới được bù đắp. Do đó, ông Bolton là “nhân vật không được chào đón” số một của Bình Nhưỡng, mà nước này luôn tỏ ra “khó chịu” nhất. Ngày 9/9, Bắc Triều Tiên đã ra một tuyên bố dưới danh nghĩa Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, đề xuất nối lại đối thoại cấp chuyên viên với Mỹ vào cuối tháng này. Đồng thời, miền Bắc cũng đề ra điều kiện là Mỹ phải có một “cách tính toán mới” trong vòng đàm phán tiếp theo. Việc Tổng thống Mỹ “loại bỏ” ông Bolton chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng đề xuất khôi phục đối thoại, để ngỏ khả năng đây chính là “cách tính toán mới” mà miền Bắc nhắc tới. Việc ông Trump bác bỏ “mô hình Li-bi”, nhấn mạnh tới số phận của nhà lãnh đạo Gaddafi, đã thể hiện rõ ràng điều này.


Phân tích 

Truyền thông Mỹ phân tích Tổng thống Donald Trump đang nóng lòng đạt được một thành tựu ngoại giao, phục vụ cho quá trình tái đắc cử. Hiện tại, phần lớn phân tích đều chỉ ra rằng ông Trump ngày càng ít triển vọng tái đắc cử. Kết quả cuộc bầu cử bổ sung Hạ nghị sĩ liên bang tại Khu vực bầu cử số 9 bang Bắc Carolina diễn ra vào ngày 10/9 lại càng củng cố cho phân tích này. Trong cuộc bầu cử này, ứng cử viên Dan Bishop của đảng Cộng hòa đã giành thắng lợi, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông Bishop chỉ xếp trước ứng cử viên đảng Dân chủ 2% số phiếu bầu. Trước đó, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo, vượt xa đối thủ là ứng cử viên Hillary Clinton tới 12% số phiếu bầu. Kết quả cuộc bầu cử Hạ nghị sĩ tại Bắc Carolina, khu vực ưu thế của đảng Cộng hòa, cho thấy cử tri vốn ủng hộ đảng này đang chuyển hướng sang ủng hộ cho đảng đối lập Dân chủ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, ông Trump luôn khẳng định bản thân mình là một “chuyên gia đàm phán”, và tự tin sẽ giành được “thắng lợi lớn”. Tuy nhiên cho tới nay, ông này vẫn chưa giành được “thành quả lớn” nào trong các vấn đề ngoại giao nổi cộm. Bởi vậy, lãnh đạo Nhà Trắng đang rất “nóng ruột”, cần ngay một thành quả ngoại giao, dù chỉ là “hình thức”, trong các vấn đề như Afghanistan, I-ran, Bắc Triều Tiên, để lấy lòng cử tri, tái đắc cử thành công.

Tổng thống Donald Trump thậm chí còn được nhắc đến là ứng cử viên sáng giá cho Giải Nobel Hòa bình, vì đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều. Tuy nhiên, sự tồn tại của ông Bolton đã trở thành rào cản, nên lãnh đạo Nhà Trắng đã quyết định loại bỏ ông này. Có ý kiến phân tích rằng giờ đây, ông Trump sẽ tự mình phát huy “bản năng bồ cầu” sẵn có. Mặt khác, một số ý kiến dấy lên lo ngại về bất ổn trong chính sách an ninh, ngoại giao của Chính phủ Tổng thống Trump. Sau khi ông Bolton bị loại bỏ, đội ngũ cố vấn an ninh, ngoại giao của Chính phủ Mỹ lại càng trở nên yếu kém hơn về mặt chuyên môn. Không còn ông Bolton, có nghĩa là không còn “phương tiện” để kìm hãm Chính phủ Mỹ đưa ra một thỏa thuận nóng vội với Bình Nhưỡng. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng người đưa ra quyết định cuối cùng luôn là Tổng thống Donald Trump, nên việc thiếu vắng ông Bolton cũng không gây ra ảnh hưởng gì lớn.

Tin mới nhất