Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chân dung tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng

Tin nổi bật trong tuần2019-09-19
Chân dung tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng

Tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien được đánh giá là một chuyên gia về đàm phán và hòa giải quốc tế, đồng thời còn được biết đến là một nhân vật chủ trương “hòa bình thông qua sức mạnh”. Tân Cố vấn O'Brien từng có một thời gian làm việc với Ngoại trưởng Mike Pompeo, giành được sự ủng hộ của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Do vậy, giới phân tích cho rằng sức ảnh hưởng của Ngoại trưởng Pompeo sẽ ngày một lớn hơn trong quá trình ra quyết định về những chính sách ngoại giao quan trọng của Chính phủ Mỹ trong thời gian tới.


Đôi nét về tân Cố vấn Robert O'Brien

Trước khi được bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, ông Robert O'Brien giữ vai trò là Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề con tin. Chính khách này từng có một thời gian mở công ty luật tư nhân tại Los Angeles, hoạt động như một luật sư, trước khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc đa dạng trong các cơ quan Chính phủ Mỹ. Truyền thông Mỹ cho biết, tân Cố vấn an ninh quốc gia đã hơn 20 lần hoạt động với vai trò là người hòa giải trong các vụ kiện tụng quốc tế, cũng là người đứng đầu những nỗ lực về mặt ngoại giao của Chính phủ Mỹ trong vấn đề giải cứu con tin tại nước ngoài, như khu vực Trung Đông, Afghanistan.


Tân Cố vấn O’Brien từng là Đại diện của Washington tại Liên hợp quốc vào năm 2005, thời Chính phủ Tổng thống George W. Bush. Khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người tiền nhiệm của ông O’Brien, giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Dưới thời Tổng thống Bush và Tổng thống Barack Obama, nhân vật này từng giữ chức đồng Chủ tịch Cục Hợp tác giữa Chính phủ và người dân về Cải cách Tư pháp ở Afghanistan thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cũng từng có nhiều kinh nghiệm hợp tác với các chính khách trong đảng cầm quyền Cộng hòa, như giữ vai trò cố vấn về chính sách ngoại giao cho chiến dịch tranh cử của các Thượng nghị sĩ Mitt Romney, Ted Cruz, cựu Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker. Đặc biệt, cuốn tự truyện “Khi nước Mỹ đang ngủ” (While America Slept) của chính khách này đã thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng Mỹ. Cuốn sách được xuất bản vào năm 2016, là một tuyển tập các bài viết liên quan tới chính sách an ninh và ngoại giao quốc gia. Trong đó, tác giả đã kịch liệt chỉ trích chính sách đối ngoại của Chính phủ Obama là “yếu kém”, cảnh báo về sự nguy hiểm của các cường quốc như Nga, Trung Quốc, cho rằng chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama “quá ngây thơ” (appeasement) và là một sự “thụt lùi” (retreat). Theo đó, dưới chính sách ngoại giao của Chính quyền Obama, thế giới đã càng trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, ông cũng phê phán thoả thuận hạt nhân I-ran mà đương kim Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi, ví thỏa thuận tương tự như “Hiệp ước Munich” được ký năm 1938, vốn được mệnh danh là “cú lừa của Hitler”. Tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng chủ trương theo đuổi hòa bình bằng sức mạnh, cho rằng một nước Mỹ hùng mạnh phải được các đồng minh tin tưởng, và kẻ thù không dám khiêu khích.


Phân tích và dự đoán

Theo đó, một số phân tích cho rằng, với việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông O’Brien làm Cố vấn an ninh quốc gia, chính sách an ninh, ngoại giao của Mỹ đã chuyển sang cơ chế “tập trung một mối” về Ngoại trưởng Mike Pompeo. Hơn thế, đang có thông tin cho rằng Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun sắp được chỉ định làm Thứ trưởng Ngoại giao, càng củng cố cho phân tích này. Thậm chí, một số ý kiến đánh giá ông Mike Pompeo đang là Ngoại trưởng nắm quyền lực lớn nhất kể từ sau thời Ngoại trường Henry Kissinger, người từng kiêm nhiệm cả chức Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng.


Liên quan đến tiến trình đàm phán Mỹ-Triều, Ngoại trưởng Mike Pompeo đang trở thành đối tượng bị chỉ trích vì những phát ngôn thẳng thừng với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, do vị thế đã được nâng cao, nên đối thoại Mỹ-Triều sẽ khó thoát khỏi sức ảnh hưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. “Hòa bình thông qua sức mạnh” và “đàm phán” là hai đường lối tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên của Chính phủ Mỹ đương nhiệm. Như vậy là trong thời gian tới, rất có thể Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh chủ trương buộc Bình Nhưỡng chấp thuận đàm phán bằng việc gia tăng cấm vận một cách quyết liệt. 


Tin mới nhất