Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ý đồ của Bắc Triều Tiên trong vụ phóng pháo phản lực siêu lớn 

Tin nổi bật trong tuần2019-11-01
Ý đồ của Bắc Triều Tiên trong vụ phóng pháo phản lực siêu lớn 

Ngày 31/10, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo miền Bắc đã phóng hai vũ khí tầm ngắn vào lúc 4 giờ 35 phút và 4 giờ 38 phút chiều cùng ngày, từ khu vực Sunchon, tỉnh Nam Pyongan, về hướng biển Đông. Một ngày sau, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử nghiệm thành công “pháo phản lực siêu lớn”. 


Ý đồ quân sự

Trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã ba lần công khai bắn thử pháo phản lực. Ngày 24/8, nước này phóng hai pháo phản lực, cách nhau 17 phút. Vào 10/9, miền Bắc bắn tiếp hai pháo phản lực khác, cách nhau 19 phút. Tới lần này, ngày 31/10, miền Bắc phóng hai pháo phản lực chỉ cách nhau 3 phút, rút ngắn đáng kể thời gian giữa hai lần bắn. Điều này được cho là căn cứ theo chỉ thị phóng liên tiếp của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Pháo phản lực bắn nhiều phát liên tiếp được gọi là “pháo phản lực phóng loạt” (multiple rocket launcher). Kiểu bắn này sẽ làm giảm độ chính xác so với các loại pháo thông thường, nhưng có ưu điểm là đẩy cao mức độ uy hiếp do bắn tập trung vào mục tiêu. “Pháo phản lực siêu lớn” Bình Nhưỡng phóng lần này được phỏng đoán có đường kính nòng 600 mm. Giới chuyên gia cho rằng, vũ khí miền Bắc thử lần này xét về hình thức bên ngoài là pháo phản lực, nhưng trên thực tế, đây là loại vũ khí cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Hiện tại, Bắc Triều Tiên đang triển khai pháo phản lực cỡ nòng 122 mm, 240 mm và 300 mm. Nếu tổng hợp tất cả các loại tên lửa miền Bắc đã phóng thử trong năm nay, sẽ càng thấy rõ hơn ý đồ quân sự của nước này. Tháng 5 năm nay, nước này đã thử nghiệm tên lửa tầm ngắn kiểu mới KN-23, được mệnh danh là tên lửa Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên. Trong vòng 6 tháng sau đó, nước này tiếp tục phóng thử pháo phản lực cỡ nòng lớn, tên lửa đất đối đất chiến thuật kiểu mới, pháo phản lực siêu lớn. Nói tóm lại, Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm “bộ 4 vũ khí tầm ngắn” kiểu mới, đều được coi là những vũ khí nhắm trực tiếp vào miền Nam. Với bộ 4 vũ khí tầm ngắn này, miền Bắc có thể khắc phục yếu thế hiện nay, thậm chí còn có thể đứng cao hơn Hàn Quốc về mặt sức mạnh quân sự. Các chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Triều Tiên có thể nhắm trực tiếp vào thủ đô Seoul với pháo tầm xa và bộ 4 vũ khí tầm ngắn. Một số ý kiến lo ngại nước này sẽ có thể gây thiệt hại cho một phần ba diện tích thủ đô Seoul. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc khẳng định hoàn toàn có thể phòng thủ trước sự tấn công của miền Bắc.


Ý đồ chính trị

Ngoài ý đồ quân sự, động thái của Bắc Triều Tiên hé lộ rõ cả ý đồ chính trị là vừa uy hiếp Hàn Quốc, vừa gây sức ép với Mỹ. Nếu đạt được vị thế quân sự cao hơn miền Nam, miền Bắc có thể đồng thời uy hiếp lực lượng quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc. Ngoài ra, nếu bỏ qua Hàn Quốc và trực tiếp đàm phán với Mỹ, nước này còn có thể đạt được nhiều lợi ích lớn hơn. Một khi “cuộc thương thảo” với Washington thành công, Bình Nhưỡng cho rằng sẽ có thể đạt được bất cứ điều gì nước này mong muốn từ Seoul. 

Dư luận Hàn Quốc đã hết sức chú ý tới việc Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un gửi điện chia buồn tới Tổng thống Moon Jae-in về sự ra đi của thân mẫu Tổng thống hôm 30/10. Một số ý kiến còn hy vọng rằng, nhân cơ hội này, quan hệ hai miền Nam-Bắc sẽ có biến chuyển mới, thoát khỏi tình trạng đóng băng như hiện nay. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan này đã sớm bị dập tắt ngay sau vụ phóng pháo phản lực của miền Bắc. Sự việc lại một lần nữa thể hiện rõ bản chất thể chế vương triều phong kiến vẫn còn tồn tại tại Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy miền Bắc coi việc gửi điện chia buồn tới miền Nam chỉ là một nghi thức truyền thống tối thiểu, không hơn không kém.

Tin mới nhất