Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Dấu hiệu tích cực nối lại đối thoại Mỹ-Triều

Tin nổi bật trong tuần2019-11-15
Dấu hiệu tích cực nối lại đối thoại Mỹ-Triều

Đối thoại Mỹ-Triều có dấu hiệu tích cực

Kể từ khi cuộc họp cấp chuyên viên Mỹ-Triều tại Stockholm (Thụy Sĩ) ngày 5/10 vừa qua thất bại, hai nước này vẫn đang trong tình trạng tranh cãi qua lại. Cho đến khi liên quân Hàn-Mỹ thông báo kế hoạch tập trận chung trên không khiến Bắc Triều Tiên phản đối quyết liệt, Mỹ đã buộc phải xuống nước, để ngỏ khả năng điều chỉnh tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Miền Bắc ngay lập tức hoan nghênh ý định điều chỉnh tập trận của Washington. Đây là dấu hiệu cho thấy hai nước Mỹ-Triều đang dần chuyển sang cục diện đối thoại. Hơn nữa, Bình Nhưỡng còn bất ngờ công bố Washington đã đề xuất nối lại đối thoại cấp chuyên viên song phương. Có vẻ Bắc Triều Tiên đang tìm kiếm bước đột phá trước thời hạn cuối năm nay mà nước này đã đặt ra cho đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.


Phản ứng qua lại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên

Trước đó, Seoul và Washington đã công bố kế hoạch tổ chức cuộc tập trận thay thế cho cuộc tập trận chung trên không quy mô lớn “Vigilant Ace”. Bắc Triều Tiên vốn luôn phản đối các cuộc tập trận quân sự của liên quân Hàn-Mỹ, đặc biệt đối với tập trận trên không. Ngày 6/11, miền Bắc đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa Đại sứ lưu động thuộc Bộ Ngoại giao Kwon Jong-gun, chỉ trích gay gắt cuộc tập trận chung trên không của liên quân Hàn-Mỹ lần này. Tiếp đó, ngày 13/11, thông qua người phát ngôn, Ủy ban Quốc vụ tiếp tục ra thông cáo bày tỏ không thể kiên nhẫn hơn nữa nếu hai nước Hàn-Mỹ không ngừng các cuộc diễn tập chung. Chức vụ của lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, nên có thể nói thông cáo của Ủy ban Quốc vụ là phản ứng chính thức quyết liệt nhất của Bắc Triều Tiên.

Ngay sau khi Ủy ban Quốc vụ miền Bắc ra thông cáo, Ngoại trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đề cập đến khả năng điều chỉnh tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ. Ông Esper nhấn mạnh sẽ điều chỉnh ít nhiều mức độ của các cuộc tập trận để đáp ứng yêu cầu ngoại giao. Động thái này cho thấy Washington đã phần nào hưởng ứng yêu cầu của Bình Nhưỡng nhằm nối lại đối thoại. Phát biểu trên của Bộ trưởng Esper hoàn toàn khác với lập trường trước đó của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngày 6/11 vừa qua, trước phản ứng gay gắt của Đại sứ lưu động Kwon Jong-gun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn khẳng định sẽ không có bất cứ sự điều chỉnh nào về quy mô hay kế hoạch tập trập của liên quân Hàn-Mỹ.


Miền Bắc đang tìm lối thoát cho đối thoại Mỹ-Triều

Tuy nhiên, cuối cùng Mỹ cũng đã nhượng bộ phần nào trước những phản ứng quyết liệt của Bắc Triêu Tiên. Phát biểu của Bộ trưởng Esper có thể coi là lời phúc đáp cho thông cáo của Ủy ban Quốc vụ miền Bắc. Đáp lại, Bắc Triều Tiên ngày 14/11 đã ra thông cáo dưới danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban hòa bình châu Á-Thái Bình Dương Kim Yong-chol. Đây có vẻ là một cách thức trao đổi gián tiếp qua lại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trong thông cáo mới nhất, miền Bắc đã yêu cầu Mỹ không nên thông qua một nước thứ ba, mà nên trực tiếp giải thích đối sách giải quyết căn bản. Điều này cho thấy trong thời gian qua, hai nước đã trao đổi kín với nhau, và có thể xem đây là lời yêu cầu trực tiếp của Bắc Triều Tiên về tổ chức đàm phán cấp chuyên viên song phương. Điểm đáng quan tâm nữa là đêm 14/11, Bình Nhưỡng đã ra thông cáo dưới danh nghĩa Đại sứ lưu động Kim Myong-gil, Trưởng phái đoàn đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Thông cáo công bố miền Bắc đã nhận được đề xuất nối lại đàm phán cấp chuyên viên từ Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun.

Những động thái trên một mặt cho thấy sự cân não giữa hai nước Mỹ-Triều, mặt khác lại phản ánh phần nào sự sốt ruột của Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh thời hạn đối thoại cuối năm nay đang đến gần, miền Bắc đã liên tiếp đưa ra những phát biểu mang tính uy hiếp. Dư luận đang quan tâm liệu hai nước có thể đối mặt trên bàn đàm phán thực tế hay không.

Tin mới nhất