Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên tỏ thái độ cứng rắn về việc nối lại đàm phán Mỹ-Triều

Tin nổi bật trong tuần2019-11-19
Bắc Triều Tiên tỏ thái độ cứng rắn về việc nối lại đàm phán Mỹ-Triều

Miền Bắc tăng sức ép lên Mỹ trước động thái thiện ý của Washington

Dù Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định hoãn tập trận chung trên không, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn đang tăng sức ép đối với Mỹ và nêu điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán là Washington từ bỏ “chính sách thù địch”. Trước đó, Bình Nhưỡng đã phản ứng khá tích cực về việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper để ngỏ khả năng điều chỉnh tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Song, sau khi Washington công bố hoãn kế hoạch diễn tập quân sự, Bình Nhưỡng lại nâng mức yêu cầu. Dư luận cho rằng Bắc Triều Tiên đã một lần nữa “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng nối lại đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều.


Phát biểu thô lỗ của Bắc Triều Tiên

Miền Bắc đã ra thông cáo dưới danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol, nhấn mạnh Mỹ thậm chí “đừng mơ” về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi rút lại chính sách thù địch với Bắc Triều Tiên. Miền Bắc yêu cầu Washington đền bù cho hành động khoe khoang và tự mãn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về những thành tích của mình trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Như vậy, Bắc Triều Tiên đang gây sức ép lên Mỹ bằng những phát biểu thô lỗ, thiếu tôn trọng và phi ngoại giao. Theo miền Bắc, từ bỏ chính sách thù địch có nghĩa là Mỹ phải ngừng cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ và dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng. Miền Bắc cũng đề cập trong thông cáo việc Liên hợp quốc thúc đẩy thông qua Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên, nhưng nghị quyết này có mục đích chống lại Bình Nhưỡng nên cũng cần phải hủy bỏ. Tổng thống Trump đang khoe khoang những thành tích của mình về vấn đề Bắc Triều Tiên, trong đó có việc miền Bắc ngừng thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Song, đàm phán Mỹ-Triều vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Đặc biệt, Hạ viện Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra luận tội nhằm phế truất Tổng thống Trump, nên người đứng đầu Nhà Trắng đang phải đối mặt với những tình thế khó khăn. Bình Nhưỡng đang tận dụng tình hình nội bộ chính trị Mỹ để tiếp tục gây sức ép lên ông Trump.


Mỹ giữ vững lập trường về phi hạt nhân hóa

Mỹ vẫn kiến quyết duy trì lập trường không dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên trước khi nước này tiến hành phi hạt nhân hóa.  Về yêu cầu xóa bỏ chích sách thù địch của Bình Nhưỡng, Washington chỉ tái khẳng định quan điểm sẽ bảo đảm an toàn thể chế và hỗ trợ phát triển kinh tế Bắc Triều Tiên nếu nước này thực hiện các bước phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, miền Bắc vẫn giữ lập trường không thể chỉ dựa vào lời cam kết của Mỹ để tiến hành phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên đang lo ngại về nguy cơ sụp đổ thể chế sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân, tương tự chính quyền của Muammar al-Gaddafi ở Li-bi. Thậm chí trong trường hợp Bắc Triều Tiên phải giao nộp vũ khí hạt nhân cho Mỹ, nước này vẫn muốn kiên trì đến cùng để được hưởng lợi ích tối đa và các biện pháp đảm bảo an toàn. Như vậy, việc Mỹ và Bắc Triều Tiên không tin tưởng lẫn nhau đang tiếp tục  cản trở đàm phán song phương. Tổng thống Trump cũng đang phải tìm giải pháp cho các vấn đề khác như cuộc điều tra luận tội, và mục tiêu tái đắc cử Tổng thống. Tuy nhiên, ông Trump vẫn cần thuyết phục Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, còn Bình Nhưỡng cũng đang “sốt ruột” khi thời hạn đàm phán nước này đặt ra là cuối năm nay đang đến gần.

Tin mới nhất