Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ tăng cường giám sát Bắc Triều Tiên sau vụ bắn pháo bờ biển

Tin nổi bật trong tuần2019-11-28
Mỹ tăng cường giám sát Bắc Triều Tiên sau vụ bắn pháo bờ biển

Ngày 27/11, Mỹ đã cử hai máy bay trinh sát tới tác chiến trên không phận bán đảo Hàn Quốc. Hành động này được phân tích là vừa nhằm đối phó với động thái khiêu khích bắn pháo bờ biển của Bắc Triều Tiên, vừa gia tăng sức ép lên chính quyền miền Bắc.


Miền Bắc bắn pháo bờ biển khiêu khích

Ngày 23/11, Bắc Triều Tiên đã tiến hành bắn pháo bờ biển từ đảo Changrin, gần biên giới liên Triều trên biển Tây. Ngày 25/11, trong khi quân đội Hàn Quốc đang tiến hành phân tích “âm thanh lạ chưa xác định”, chính là tiếng pháo bắn sáng 23/11, thì truyền thông miền Bắc đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã chỉ thị bắn pháo khi tới thăm hòn đảo này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngay lập tức phản đối mạnh mẽ động thái của miền Bắc, quy kết hành vi này đã vi phạm “Biên bản thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm ở lĩnh vực quân sự” được lãnh đạo hai miền thông qua ngày 19/9 năm ngoái. Qua đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây, quân đội đã gửi điện bày tỏ lập trường phản đối, yêu cầu miền Bắc dừng và tránh tái diễn các hành vi quân sự trên khu vực tiếp giáp biên giới liên Triều, tuân thủ đúng thỏa thuận quân sự 19/9.


Mối đe dọa từ pháo bờ biển miền Bắc

Trước đó, một số ý kiến chỉ trích quân đội đã không nắm bắt được những động thái quân sự của Bắc Triều Tiên. Vụ bắn pháo bờ biển diễn ra ngày 23/11, cũng là ngày kỷ niệm 9 năm vụ Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc (23/11/2010). Khi đó, đơn vị thủy quân lục chiến Hàn Quốc đóng trên đảo Yeonpyeong đã ngay lập tức bắn trả pháo tự hành K-9. Trận pháo kích đã khiến hai binh lính Hàn Quốc thiệt mạng, 16 người bị thương nặng. Thiệt hại phía miền Bắc không được tiết lộ. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên nã pháo bừa bãi vào nơi có người dân miền Nam sinh sống.


 Bắc Triều Tiên đang bố trí tập trung pháo bờ biển ở khu vực duyên hải gần biên giới liên Triều trên biển Tây, với quy mô ước đoán khoảng 1.000 quả. Chủng loại pháo là loại cỡ nòng 130 mm, tầm bắn 27km, hoặc loại cỡ nòng 76,2mm, tầm bắn 12km, và cả tên lửa đất đối hạm. Thông thường, nước này cất giấu pháo ở các hang sâu trong lòng đất, chỉ khi nào bắn mới mở cửa hang, kéo pháo ra bằng đường ray. Pháo bờ biển thuộc loại vũ khí thông thường, uy lực không lớn trong thời chiến. Tuy nhiên, toàn bộ 5 hòn đảo cực Bắc Hàn Quốc trên biển Tây đều nằm trong tầm bắn của loại pháo này, và luôn trong tình trạng bất an. Trận pháo kích đảo Yeonpyeong là minh chứng rõ ràng nhất cho mối uy hiếp này.


Ý đồ của Bắc Triều Tiên 
 Trước chuyến thăm đảo Changrin, Chủ tịch Kim Jong-un đã tham dự “Cuộc thi kỹ thuật bay chiến đấu”, giám sát cuộc diễn tập nhảy dù xâm nhập căn cứ quân địch của quân đội miền Bắc. Chuyến thị sát đảo Changrin lần này là động thái quân sự thứ ba của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên riêng trong tháng 11. Hành động này được phân tích là nhằm uy hiếp Hàn Quốc, cảnh báo rằng miền Bắc có thể xâm nhập, tấn công miền Nam trực tiếp và bất ngờ. Một số ý kiến khác nhận định các động thái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn nhằm gián tiếp gây sức ép với Mỹ. Trong bối cảnh trên, việc Mỹ điều động hai máy bay trinh sát tối tân tới tác chiến trên không phận bán đảo Hàn Quốc khiến dư luận hết sức chú ý. Nhiệm vụ của các máy bay này là xem xét các động thái trên mặt đất, thu thập dữ liệu về mục tiêu tấn công. Như vậy, Mỹ đang ám chỉ Washington có thể tấn công đối phương bất cứ lúc nào. Đây rõ ràng là mối đe doạ vô cùng lớn với Bắc Triều Tiên. Động thái khiêu khích của miền Bắc còn cho thấy nước này đang “thấp thỏm” trước thời hạn cuối năm nay mà Chủ tịch Kim Jong-un tự đặt ra cho đối thoại Mỹ-Triều. Việc Mỹ cử máy bay trinh sát tới bán đảo Hàn Quốc càng gia tăng sức ép lên tâm trạng thấp thỏm này của miền Bắc. 


Tin mới nhất