Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng thử nghiệm pháo phản lực siêu lớn

Tin nổi bật trong tuần2019-11-29
Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng thử nghiệm pháo phản lực siêu lớn

Vào 4 giờ 59 phút chiều 28/11, Bắc Triều Tiên đã phóng hai vũ khí tầm ngắn, được phỏng đoán là pháo phản lực siêu lớn, về vùng biển phía Đông. Nếu đúng như vậy, đây là vụ phóng pháo phản lực siêu lớn thứ 4 của miền Bắc trong năm nay. Việc Bắc Triều Tiên liên tục phóng pháo phản lực được phân tích là nhằm sở hữu năng lực thực chiến đối với loại pháo này.  Giới phân tích cho rằng với vụ phóng vừa rồi, miền Bắc đã phần nào đạt được mục đích này, sở hữu được tính năng trọng tâm là bắn liên tục pháo phản lực.


Vụ phóng pháo phản lực thứ 4 trong năm

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29/11 đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã đích thân giám sát và rất hài lòng về kết quả của vụ phóng thử nghiệm pháo phản lực. KCNA cho biết vụ phóng lần này nhằm kiểm tra lần cuối khả năng triển khai pháo phản lực siêu lớn vào chiến đấu thực tế. Vụ thử nghiệm đã kiểm chứng được tính vượt trội và độ tin cậy về mặt kỹ thuật của pháo phản lực. Đặc biệt, KCNA nêu rõ đây là vụ bắn thử nghiệm liên tiếp, cho thấy công tác kiểm tra tính năng pháo phản lực siêu lớn của miền Bắc đã đến giai đoạn cuối, chuẩn bị cho việc triển khai thực tế.

Riêng trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã 13 lần phóng vũ khí, trong đó có 4 lần phóng pháo phản lực siêu lớn, với cỡ nòng phỏng đoán 600 mm. Hiện tại, Bình Nhưỡng đang triển khai các loại pháo phản lực cỡ nòng 122, 240 và 300 mm. Nếu nước này triển khai được cả pháo cỡ nòng siêu lớn 600 mm, thì năng lực chiến đấu bằng pháo phản lực của quân đội miền Bắc sẽ được đẩy cao vượt bậc. Pháo phản lực bắn nhiều phát liên tiếp được gọi là “pháo phản lực phóng loạt” (multiple rocket launcher). Kiểu bắn này có độ chính xác kém hơn các loại pháo thông thường, nhưng có ưu điểm là đẩy cao mức độ uy hiếp do bắn tập trung vào mục tiêu. Loại pháo này được vận chuyển bằng xe ô tô chuyên chở kiêm bệ phóng di động (TEL). Lần này, Bắc Triều Tiên được cho là đã phóng pháo phản lực từ 4 ống phóng lắp đặt trên TEL. Mặc dù về hình thức bên ngoài, đây là pháo phản lực, nhưng trên thực tế, giới chuyên gia đánh giá vũ khí này thuộc loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn.


Miền Bắc đã đạt được tính năng trọng tâm của pháo phản lực

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết lần này, Bình Nhưỡng đã phóng hai pháo phản lực cách nhau khoảng hơn 30 giây. Vũ khí này đã đạt tới độ cao 97 km, tầm bắn khoảng 380 km. Điểm đáng chú ý là thời gian giữa hai lần phóng. Ở lần phóng pháo phản lực thứ nhất trong năm nay của miền Bắc, thời gian giữa các lần phóng là 17 phút, lần phóng thứ hai là 19 phút, lần phóng thứ ba là 3 phút, và lần này rút ngắn hẳn còn hơn 30 giây. Cho tới lần phóng thứ ba, Bắc Triều Tiên vẫn chưa đạt tới trình độ “phóng liên tiếp”, tính năng trọng tâm của pháo phản lực. Tuy nhiên, lần này miền Bắc đã thành công khi rút ngắn thời gian giữa hai lần phóng xuống còn hơn 30 giây, tức là đã đạt được tính năng quan trọng này, đưa pháo phản lực thành loại “vũ khí hủy diệt hàng loạt” uy hiếp mạnh mẽ tới Hàn Quốc. Pháo phản lực phóng loạt có tính chất tương tự một “vũ khí chiến lược”, có thể tấn công vào khu vực hậu phương, bẻ gẫy ý chí chiến đấu của quân địch. Đây cũng chính là lý do Bắc Triều Tiên dốc sức phát triển loại pháo này. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lắp đầu đạn hạt nhân mặc dù có thể uy hiếp tới cả lãnh thổ Mỹ, nhưng lại không hiệu quả trực tiếp nếu đối đầu với Hàn Quốc. Việc Bình Nhưỡng liên tiếp có các động thái khiêu khích mức độ thấp gần đây được phân tích là chiến lược nhằm biến Seoul thành “con tin”, gây sức ép khiến Washington đưa ra “cách tính toán mới” trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Mặt khác, các động thái này cũng thể hiện tâm lý “thấp thỏm” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong bối cảnh thời hạn cuối năm nay mà nước này tự đặt ra cho đàm phán Mỹ-Triều đang tới gần.

Tin mới nhất