Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Căng thẳng hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang ngay từ đầu năm

Tin nổi bật trong tuần2020-01-04

ⓒKBS News

Thời hạn cuối năm 2019 Bắc Triều Tiên đơn phương đặt ra cho đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đã trôi qua. Bước sang những ngày đầu năm 2020, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng lại có dấu hiệu quay về thời điểm trước khi hai nước ngồi vào bàn đối thoại. Mỹ liên tiếp đe dọa sử dụng biện pháp quân sự với Bắc Triều Tiên, còn miền Bắc cũng đáp trả quyết liệt bằng tuyên bố sẽ tìm hướng đi mới, đột phá toàn diện khỏi tình hình hiện nay. Tình hình bán đảo Hàn Quốc trong thời gian tới nhuốm màu bất ổn.

 

Washington đe dọa sử dụng biện pháp quân sự

Nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, ngày 2/1 đồng loạt đưa ra cảnh cáo cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Esper cho biết Mỹ sẵn sàng “chiến đấu ngay trong đêm nay” nếu thấy cần thiết về mặt quân sự. Bất cứ ai khiêu khích Washington sẽ phải nhận cái giá thích đáng. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra phát biểu này khi đang đề cập tới Iran, nhưng giới phân tích cho rằng ông Esper đã gián tiếp cảnh cáo quyết liệt tới cả Bắc Triều Tiên.

 

Đầu tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sức mạnh quân sự của Mỹ đã được nâng lên đáng kể từ sau khi ông nhậm chức. Dù không hề mong muốn, nhưng trong trường hợp cần thiết, Mỹ vẫn phải sử dụng tới sức mạnh này. Đáp lại, Bắc Triều Tiên tuyên bố nếu Mỹ sử dụng biện pháp quân sự thì nước này cũng sẽ nhanh chóng “hành động tương ứng”. Thái độ cứng rắn trên của Washington được phân tích là nhằm răn đe Bình Nhưỡng. Trước đó, Bắc Triều Tiên từng đe dọa sẽ tặng Mỹ một “món quà Giáng sinh”, để ngỏ khả năng khiêu khích quân sự. Nhưng Giáng sinh và cuối năm đã trôi qua, Bắc Triều Tiên vẫn khá im ắng, không có động thái khiêu khích nào. Tuy vậy, nguy cơ miền Bắc khiêu khích vẫn chưa biến mất hẳn.

 

“Hướng đi mới” của Bắc Triều Tiên?

Ngày 28/12 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động kéo dài 4 ngày, một điều rất hiếm thấy. Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã tuyên bố về đường lối “tự lực cánh sinh”, “đột phá toàn diện”. Báo cáo này của nhà lãnh đạo miền Bắc đã thay thế cho bài phát biểu chúc mừng năm mới thường niên. Nội dung trọng tâm của báo cáo là dự báo mâu thuẫn Mỹ-Triều sẽ còn kéo dài, và thể hiện quyết tâm đột phá toàn diện đối với cục diện cấm vận hiện nay của cộng đồng quốc tế. Nghĩa là trong thời gian tới, miền Bắc sẽ tiếp tục xây dựng kinh tế, tăng cường sức mạnh quân sự để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un còn cảnh báo thế giới sắp được chứng kiến vũ khí chiến lược mới của Bắc Triều Tiên. Tháng 4/2018, nhà lãnh đạo miền Bắc từng tuyên bố dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), dốc toàn lực để xây dựng kinh tế. Như vậy, miền Bắc đã quay về đường lối phát triển song song kinh tế và sức mạnh hạt nhân sau 1 năm 8 tháng cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân, tên lửa.

 

Về lời cảnh cáo cứng rắn của Mỹ, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, ngày 3/1 nhấn mạnh chính quyền miền Bắc sẽ đáp trả quyết liệt và ngay lập tức với bất cứ hành vi nào xâm hại tới quyền sinh tồn của nước này.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Đối thoại Mỹ-Triều đang tiếp tục bế tắc do Mỹ yêu cầu phải đạt được một thỏa thuận lớn trọn gói, trong khi Bắc Triều Tiên lại đề nghị Washington phải dỡ bỏ cấm vận trước.

 

Trong nội bộ nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với các quy trình luận tội. Trước đó, ông này luôn coi phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là thành quả chính trị lớn nhất của mình. Do vậy, dư luận lo ngại bế tắc trong đàm phán với miền Bắc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tái đắc cử của Tổng thống Mỹ. Cuối năm ngoái, Mỹ đã liên tục điều động máy bay trinh sát tới không phận bán đảo Hàn Quốc nhằm kìm hãm những động thái khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng Bắc Triều Tiên sẽ khiêu khích quân sự hòng xoay chuyển cục diện.

 

Bắc Triều Tiên cũng đã tuyên bố về một “hướng đi mới”, nhưng giới chuyên gia phân tích rằng trong tình hình hiện nay, nước này không tránh khỏi phải “tự lực cánh sinh”, khó trông chờ vào sự hậu thuẫn từ Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng siết chặt cấm vận với miền Bắc, nên nước này sẽ khó trụ vững lâu. Dựa vào tất cả những yếu tố trên, có thể thấy mặc dù hai nước Mỹ-Triều đang khẩu chiến quyết liệt, nhưng cánh cửa đối thoại vẫn được để ngỏ. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ đạt được bước đột phá ngay lập tức, dự báo căng thẳng Mỹ-Triều sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Tin mới nhất