Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên công bố chiến lược mới trong đàm phán với Mỹ

Tin nổi bật trong tuần2020-01-13
Bắc Triều Tiên công bố chiến lược mới trong đàm phán với Mỹ

Tuyên bố của Cố vấn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên

Ngày 11/1, Bắc Triều Tiên đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa Cố vấn Bộ Ngoại giao Kim Kye-kwan, nhấn mạnh hai điều là “con đường mới” và chiến lược “thông Mỹ phong Nam”, tức “hòa hảo với Mỹ và lạnh nhạt với Hàn Quốc”. Tuy nhiên, miền Bắc không hề cảnh báo là sẽ tái diễn hành động khiêu khích trong tương lai. “Con đường mới” trong tuyên bố lần này được miền Bắc đưa ra sau khi hết thời hạn đối thoại Mỹ-Triều mà nước này tự đặt ra là cuối năm ngoái. Cụ thể, “con đường mới” ở đây nghĩa là Bắc Triều Tiên sẽ đột phá toàn diện để thoát khỏi cục diện cấm vận quốc tế, và tự lực cánh sinh, tức là Bình Nhưỡng đã kết luận rất khó có thể giải quyết vấn đề bằng đối thoại, và khả năng cộng đồng quốc tế sẽ kéo dài cấm vận đối với Bắc Triều Tiên là rất cao. Báo chí của miền Bắc cũng đã nhấn mạnh “tình hình đối đầu với Mỹ sẽ còn tiếp diễn”, và Bắc Triều Tiên phải chấp nhận sự thật là sẽ tiếp tục bị áp đặt lệnh cấm vận quốc tế. Vì thế, miền Bắc phải tăng cường đoàn kết nội bộ để khắc phục khó khăn kinh tế.


Bắc Triều Tiên khẳng định sẽ không từ bỏ hạt nhân để được dỡ bỏ lệnh cấm vận

Trong tuyên bố dưới danh nghĩa Cố vấn Bộ Ngoại giao Kim Kye-kwan, trước hết, Bắc Triều Tiên khẳng định sẽ không đàm phán với Mỹ và từ bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lấy việc chấm dứt cấm vận vì Washington chưa sẵn sàng chấp thuận những yêu cầu của Bình Nhưỡng. Tức là Bắc Triều Tiên sẽ không nối lại đàm phán nếu Mỹ không đáp ứng yêu cầu của nước này. Hiện tại, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các lệnh trừng phạt, còn miền Bắc sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa theo giai đoạn. Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường nhất quán về nguyên tắc đàm phán “thỏa thuận lớn”, tức là sẽ không giảm nhẹ cấm vận cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tháng 2 năm 2019 ở Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chỉ muốn phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon, song Mỹ đã đề nghị Bắc Triều Tiên phá hủy thêm một số cơ sở khác, trong đó có cơ sở làm giàu uranium. Miền Bắc đã từ chối đề xuất này. khiến đàm phán thất bại. Bài phát biểu khẳng định dù quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Bắc Triều Tiên và Tổng thống Mỹ là một điều đáng mừng, nhưng nó chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm cá nhân, nên sẽ thật "ngu xuẩn" nếu kỳ vọng đối thoại Mỹ-Triều sẽ được nối lại dựa trên mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Điều này cho thấy miền Bắc một mặt chỉ ra hạn chế của phương thức thỏa luận "từ trên xuống" (Top-Down), một mặt tỏ rõ không có ý định đối thoại với Washington nếu không có sự thay đổi trong tình hình hiện tại. Thêm vào đó, Bắc Triều Tiên nhấn mạnh sẽ không phản hồi về đề xuất đối thoại nhắm vào mục đích chính trị trong nước của Tổng thống Trump. Tức là miền Bắc không muốn đối thoại Mỹ-Triều bị lợi dụng như một “thành tựu chính trị” lớn của ông Trump trước thách thức tái đắc cử chức Tổng thống, và trước nguy cơ bị đảng đối lập Dân chủ thúc đẩy luận tội và phế truất. 


Miền Bắc tiếp tục tỏ thái độ lạnh nhạt với Hàn Quốc

Trong bài phát biểu, Bắc Triều Tiên còn sử dụng các từ ngữ thái quá khi nói đến Hàn Quốc và quan hệ liên Triều. Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul đừng can thiệp vào cuộc đối thoại Mỹ-Triều, và cần thận trọng hơn trong vấn đề này. Miền Bắc còn cho biết đã nhận được thư tay chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp từ Tổng thống Mỹ, vậy mà Seoul lại cợt nhả rằng đã chuyển thư tay của ông Trump đến Bắc Triều Tiên. Theo Bình Nhưỡng, đây là một động thái khá khiếm nhã, và có vẻ Seoul vẫn còn luyến tiếc muốn giữ nguyên vai trò trung gian thúc đẩy quan hệ Mỹ-Triều. Miền Bắc còn mỉa mai rằng có vẻ miền Nam không hề biết Washington và Bình Nhưỡng đã có kênh liên lạc đặc biệt. 

Như vậy, thông qua tuyên bố, Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh về chiến lược “hòa hảo với Mỹ và lạnh nhạt với Hàn Quôc”, “đột phá toàn diện”, và gác lại khả năng nối lại đàm phán. Song, một điều đáng chú ý là Bắc Triều Tiên không hề sử dụng các ngôn từ đe dọa sẽ có hành động khiêu khích. Do đó, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và tiến hành chiến tranh tâm lý, khác với cảnh báo Bắc Triều Tiên đưa ra tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động ngày 1/1/2020 là “thực hiện hành động thực tế gây sốc” với Mỹ và công bố vũ khí chiến lược mới.

Tin mới nhất