Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kỷ niệm hai năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm

Tin nổi bật trong tuần2020-05-02

ⓒYONHAP News

Phát biểu tại cuộc họp đội ngũ cố vấn Phủ Tổng thống ngày 27/4 nhân kỷ niệm hai năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm (27/4/2018), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất một số phương án giao lưu, hợp tác liên Triều, trong đó có hợp tác đối phó chung với dịch COVID-19. Ông Moon nhấn mạnh khủng hoảng do COVID-19 có thể trở thành cơ hội cho hợp tác liên Triều, bài toán cấp thiết nhất hiện nay. Do đó, Seoul quyết tâm tìm ra con đường hợp tác với miền Bắc dễ hiện thực hóa nhất ở thời điểm hiện tại.

 

Các đề xuất hợp tác liên Triều của Tổng thống

Tổng thống đánh giá trong thời gian qua, hai miền Nam-Bắc vẫn chưa thể đẩy nhanh tốc độ thực thi những nội dung nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Nguyên nhân không phải do Chính phủ thiếu quyết tâm, mà là những hạn chế về mặt quốc tế. Lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh cả hai miền Nam-Bắc đều phải nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và triển khai hợp tác ở những lĩnh vực không thuộc phạm vi hạn chế. Cụ thể, Tổng thống đề xuất hai miền hợp tác đối phó với dịch COVID-19, cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu, có thể hiện thực hóa trong thời điểm hiện tại. Nhân cơ hội này, ông Moon hy vọng hai bên sẽ mở rộng hợp tác đối phó chung ở các lĩnh vực bệnh truyền nhiễm trên gia súc, thiên tai sự cố ở khu vực biên giới, và biến đổi khí hậu. Qua những nỗ lực hợp tác này, hai miền sẽ hình thành nền tảng để hướng đến một “cộng đồng hòa bình”. Bên cạnh đó, Tổng thống cũng đề xuất về các dự án hai bên cùng xúc tiến như kết nối tuyến đường sắt liên Triều, biến Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) thành Khu vực hòa bình quốc tế, khai quật chung hài cốt liệt sĩ, đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

 

Tuyên bố Bàn Môn Điếm

Tuyên bố Bàn Môn Điếm được Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018. Tuyên bố gồm 13 hạng mục nhất trí ở ba lĩnh vực là cải thiện quan hệ liên Triều, giải tỏa căng thẳng quân sự, thiết lập thể chế hòa bình vĩnh viễn. Hai bên đặt mục tiêu tuyên bố kết thúc chiến tranh, phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

 

Cụ thể, ở lĩnh vực cải thiện quan hệ liên Triều, hai miền Nam-Bắc nhất trí xúc tiến đối thoại và đàm phán nhiều vấn đề, bao gồm cả hội đàm cấp cao, lập Văn phòng liên lạc liên Triều tại khu vực Gaesung, thúc đẩy hợp tác, giao lưu đa phương ở mọi tầng lớp, tổ chức chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán. Để giải tỏa căng thẳng quân sự, hai bên quyết định dừng tất cả các hành vi thù địch quân sự, biến đường ranh giới liên Triều trên biển (NLL) thành hải phận hòa bình, bảo đảm quân sự cho các hoạt động giao lưu, hợp tác song phương, tổ chức thường xuyên hội đàm quân sự. Về vấn đề xây dựng thể chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc, hai bên nhất trí tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm 2018, nhân kỷ niệm 65 năm ký kết Hiệp định đình chiến năm 1953, chuyển từ Hiệp định đình chiến sang Hiệp định hòa bình, xác lập mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa toàn diện, xây dựng bán đảo Hàn Quốc không hạt nhân. Để đạt được điều này, hai bên nhất trí tổ chức các cuộc hội đàm ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc bốn bên Hàn-Triều-Mỹ-Trung.

 

Bối cảnh và ý nghĩa đề xuất hợp tác liên Triều của Tổng thống

Cuối năm 2017, mối uy hiếp hạt nhân từ miền Bắc vẫn rất nhức nhối. Tới đầu năm 2018, nhân việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc, quan hệ liên Triều dần chuyển sang cục diện đối thoại, sau đó diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều với kết quả là Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Tiếp đó, lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12/6 cùng năm. Seoul và Bình Nhưỡng cũng bắt tay thực hiện các nội dung nhất trí trong Tuyên bố, như dừng các hành vi thù địch quân sự. Tuy nhiên, hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa đã không đạt tiến triển. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội từ ngày 27-28/2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, quan hệ liên Triều cũng đóng băng từ đó. Sau đó, Tổng thống Moon Jae-in đã tích cực đứng ra làm trung gian, muốn thông qua việc cải thiện quan hệ liên Triều tác động tích cực tới quan hệ Mỹ-Triều, nhưng không thành công do Bắc Triều Tiên không hưởng ứng, cũng như vấp phải cấm vận của cộng đồng quốc tế. Đề xuất hợp tác liên Triều nhân dịch COVID-19 của Tổng thống lần này được phân tích là nhằm đột phá khỏi tình hình bế tắc hiện tại, tạo động lực đạt tiến triển trong quan hệ liên Triều, và phát triển quan hệ hai miền Nam-Bắc trở thành quan hệ hợp tác hòa bình-kinh tế.

Tin mới nhất