Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Bắc Triều Tiên trao một phần quyền hạn cho các phụ tá

Tin nổi bật trong tuần2020-08-29

ⓒYONHAP News

Trong báo cáo công việc trình lên Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội ngày 20/8, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang ủy thác một phần quyền hạn cho các phụ tá thân cận, trong đó có em gái là Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, để cai trị miền Bắc.

 

Nội dung báo cáo của NIS

Cơ quan tình báo quốc gia cho biết dù ông Kim Jong-un vẫn đang nắm quyền lực tuyệt đối, nhưng so với quá khứ, ông này đang dần chuyển giao quyền hạn cho cấp dưới. Tuy nhiên, không phải Chủ tịch Kim đã có quyết định về người kế nhiệm, hay chỉ phân chia quyền hạn cho một người duy nhất. Trên thực tế, bà Kim Yo-jong đang là nhân vật quyền lực thứ hai tại Bắc Triều Tiên chỉ sau ông Kim Jong-un, được trao quyền hạn về chính sách đối với Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Pak Pong-ju và tân Thủ tướng Kim Tok-hun được nhà lãnh đạo tối cao miền Bắc trao quyền giám sát lĩnh vực kinh tế; Phó Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quân chính đảng Lao động Choe Pu-il, Phó Chủ tịch Ủy ban quân sự trung ương đảng Ri Pyong-chol được trao quyền hạn ở lĩnh vực quân sự.

 

Phân tích của NIS

Báo cáo của NIS nêu ra hai bối cảnh lớn dẫn tới quyết định trao một phần quyền hạn cho các phụ tá thân cận của Chủ tịch Kim Jong-un. Trước tiên, ông Kim đã lên nắm quyền được 9 năm, ngày càng chịu nhiều áp lực lớn. Do đó, việc phân chia bớt quyền hạn nhằm giảm áp lực cho ông này trong quá trình cai trị. Thứ hai, chuyển giao một phần quyền hạn sẽ giúp phân tán rủi ro trong trường hợp thất bại chính sách, tức là ông Kim sẽ có thể đổ trách nhiệm về thất bại đó cho cấp dưới. Ngoài ra, Cơ quan tình báo quốc gia phân tích sau 9 năm cầm quyền, về cơ bản, ông Kim Jong-un đã có được sự tự tin nhất định.

Bên cạnh đó, NIS đánh giá Bắc Triều Tiên đang có nhiều động thái “vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng” với Mỹ. Một mặt, Bình Nhưỡng tuyên bố đẩy mạnh khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân, mặt khác cũng đang xây dựng bộ máy nhân sự phụ trách đàm phán với Washington.

NIS cho biết Bắc Triều Tiên đang tạm dừng hoạt động lò nguyên tử 5 MW ở cơ sở hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan), không có dấu hiệu khởi động cơ sở tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Quân đội miền Bắc đã thu hẹp từ 25-65% quy mô tập trận quân sự mùa hè. Bãi thử nghiệm hạt nhân xã Punggye (tỉnh Bắc Hamgyong), bãi phóng tên lửa xã Dongchang (tỉnh Bắc Pyongan) không có dấu hiệu đặc biệt nào. Riêng tại nhà máy đóng tàu Sinpo, NIS vẫn phát hiện được hoạt động của tàu ngầm lớp Cá voi và thiết bị phóng dưới nước.

 

Phân tích của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội ngày 25/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yo-jong đang nắm quyền kiểm soát Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động, một cơ quan quyền lực chủ chốt. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un vẫn là người nắm giữ mọi quyền lực của đảng Lao động, Chính phủ và quân đội miền Bắc dựa trên thể chế một nhà lãnh đạo duy nhất. Về khả năng bà Kim Yo-jong tuyên bố phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, khiêu khích quân sự cục bộ, Bộ trưởng Jeong cho biết quân đội vẫn chưa phát hiện được động thái nào đặc biệt của Bình Nhưỡng. Bộ Quốc phòng đang cân nhắc các biện pháp quân sự tương ứng trong trường hợp miền Bắc khiêu khích. Các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy Chính phủ đã bác bỏ tin đồn Chủ tịch Kim Jong-un đang gặp vấn đề về sức khỏe, hay nội bộ miền Bắc lục đục.

Tin mới nhất