Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ủy ban Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua dự thảo nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2021-11-20

ⓒKBS News

Dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

Ủy ban thứ ba phụ trách về nhân quyền trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 17/11 đã thông qua dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 17 liên tiếp. Dự thảo được thông qua theo hình thức nhất trí toàn diện, tức tất cả các nước thành viên đều đồng ý, không yêu cầu tiến hành biểu quyết.

Nội dung dự thảo nghị quyết năm nay gần như tương tự các năm trước, bày tỏ lo ngại và lên án tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Dự thảo khuyến nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đưa vấn đề nhân quyền miền Bắc lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và xem xét cấm vận thêm với “những người chịu trách nhiệm cao nhất về tình trạng xâm hại nhân quyền”. Đây là năm thứ 8 liên tiếp nội dung này được đưa vào dự thảo nghị quyết kể từ năm 2014, hàm ý bao gồm cả nhà lãnh đạo tối cao miền Bắc là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un.

Dự thảo liệt kê các hành vi xâm hại nhân quyền đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên như tra tấn, tự ý bắt giam, bạo hành tình dục, lập nhà tù phạm nhân chính trị, cưỡng bức mất tích, hạn chế tự do đi lại. Dự thảo lên án tình trạng xâm hại nhân quyền tại miền Bắc đang diễn ra một cách có tổ chức và trên diện rộng. Ngoài ra, dự thảo còn lên án việc chính quyền miền Bắc ngược đãi với người tị nạn được trao trả về nước, hạn chế tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tụ tập. Dự thảo nghị quyết hối thúc chính quyền miền Bắc nối lại chương trình đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, trao trả ngay những nạn nhân mà nước này bắt cóc, như nạn nhân người Nhật Bản. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết còn khuyến nghị các nước nỗ lực về mặt ngoại giao để cải thiện tình hình nhân quyền tại miền Bắc, nhấn mạnh về tầm quan trọng của can thiệp và đối thoại, trong đó có đối thoại liên Triều.

 

Hối thúc hợp tác vắc-xin

Dự thảo năm nay có một điểm khác biệt là thêm vào nội dung hối thúc Bình Nhưỡng hợp tác với các tổ chức liên quan như Hội đồng cung cấp vắc-xin quốc tế (COVAX Facility), để cung ứng và phân bổ vắc-xin COVID-19 một cách kịp thời. Dự thảo nghị quyết chỉ ra rằng quyền lợi kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân đang ngày càng xấu đi do dịch COVID-19. Qua đó nhấn mạnh chính quyền miền Bắc phải ưu tiên cho phép nhân viên các tổ chức quốc tế nhập cảnh vào nước này để phân bổ vắc-xin, vận chuyển vật tư cứu trợ nhân đạo. Dự thảo bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo tại Bắc Triều Tiên đang ngày một xấu đi do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và tình trạng đóng cửa biên giới kéo dài.

    

Ý nghĩa và triển vọng

Dự thảo nghị quyết lần này do các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng. Hàn Quốc năm thứ ba liên tiếp không gia vào danh sách các nước đồng đề xuất, chỉ tham gia vào quá trình lấy ý kiến nhất trí toàn diện. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc giải thích đường lối cơ bản của Seoul đó là nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế cải thiện một cách thực chất tình hình nhân quyền cho người dân Bắc Triều Tiên. Dự thảo nghị quyết nhân quyền miền Bắc sẽ được trình lên tiếp phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12 tới. Dù được thông qua đi chăng nữa thì nghị quyết chưa thể mang tính ràng buộc, khiến Bình Nhưỡng phải thực thi biện pháp cải thiện tình hình ngay lập tức. Tuy nhiên, nghị quyết sẽ trở thành một tài liệu pháp lý, lịch sử để “kết án” miền Bắc vào một thời điểm nào đó.

 

Trong khi đó, Đại sứ miền Bắc tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định tại Bắc Triều Tiên không hề tồn tại các hành vi xâm hại nhân quyền được đề cập trong dự thảo nghị quyết, chỉ trích dự thảo này là một chính sách thù địch với miền Bắc. Điều này cho thấy Bắc Triều Tiên vẫn không hề có ý định cải thiện tình hình nhân quyền tại nước này.

Tin mới nhất