Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên phóng liên tiếp tên lửa bội siêu thanh

Tin nổi bật trong tuần2022-01-15

ⓒYONHAP News

Sau hai vụ phóng thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh liên tiếp của Bắc Triều Tiên vào ngày 5 và 11/1, Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/1 (giờ địa phương) đã công bố biện pháp cấm vận với Bình Nhưỡng. Về điều này, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra lập trường là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ, nỗ lực nối lại đối thoại với miền Bắc, nhằm giải quyết căn bản vấn đề hạt nhân miền Bắc.

 

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12/1 đưa tin Viện Khoa học quốc phòng nước này một ngày trước đã phóng thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh dưới sự giám sát trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. KCNA cho biết nước này đã đạt được “thành công liên tiếp”, nối tiếp vụ phóng tên lửa trước đó vào ngày 5/1.

Tên lửa bội siêu thanh rất khó đánh chặn so với các lại tên lửa đạn đạo thông thường có quỹ đạo bay hình parabol. Theo nội dung đưa tin, tên lửa bội siêu thanh của miền Bắc có chiều dài khoảng 7m, đã phân tách ở địa điểm 600 km sau khi phóng, bay lượn khoảng 240 km và nhắm trúng mục tiêu cách đó 1.000 km. Vận tốc của tên lửa được phân tích là trong khoảng Mach 10. Với vận tốc này thì tên lửa có thể tiến vào không phận Seoul chỉ một phút sau khi phóng. KCNA cho biết vụ phóng lần này là vụ phóng “thử nghiệm cuối cùng”, để ngỏ khả năng miền Bắc sẽ sớm bố trí thực chiến tên lửa bội siêu thanh.

 

Biện pháp cấm vận của Mỹ

Ngay sau vụ phóng ngày 11/1 của Bắc Triều Tiên, Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh trừng phạt với miền Bắc. Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/1 (giờ địa phương) liệt 6 người mang quốc tịch Bắc Triều Tiên, một người Nga và một doanh nghiệp Nga vào danh sách cấm vận do dính líu tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt của miền Bắc. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh vẫn giữ nguyên lập trường là theo đuổi giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng. Trong số những cá nhân miền Bắc nằm trong danh sách trừng phạt, có 5 người đang làm việc tại Viện Khoa học quốc phòng Bắc Triều Tiên, được cho là phụ trách nghiệp vụ nhập phụ tùng liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa từ Nga và Trung Quốc. Viện Khoa học quốc phòng miền Bắc đã từng bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt năm 2010. Ngoài ra, danh sách cấm vận còn có một người Nga và một doanh nghiệp Nga tên là Parsek LLC, được cho là đã có giao dịch liên quan đến hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt của miền Bắc.

 

Ngoài lệnh cấm vận trên, Mỹ cũng đề xuất Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cấm vận thêm với Bắc Triều Tiên. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield ngày 12/1 yêu cầu Liên hợp quốc áp đặt thêm cấm vận với Bình Nhưỡng liên quan tới vụ phóng tên lửa gần đây của miền Bắc. Tuy nhiên, việc cấm vận trên phương diện Hội đồng bảo an là điều không hề dễ dàng do cần sự đồng ý của Nga và Trung Quốc.   

 

Ý nghĩa và triển vọng

Bắc Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa hành trình và tên lửa tầm ngắn trong năm ngoái. Tuy nhiên, tên lửa hành trình không thuộc đối tượng cấm vận, tên lửa tầm ngắn thì không uy hiếp trực tiếp tới Mỹ. Còn tên lửa bôi siêu thanh lại ở một phương diện hoàn toàn khác. Việc miền Bắc liên tiếp phóng tên lửa bội siêu thanh ngay từ đầu năm 2022 và việc Washington đáp trả bằng lệnh cấm vận, đang đẩy cục diện bán đảo Hàn Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng. Triển vọng trong thời gian tới cũng hết sức mù mịt. Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào năm ngoái, Chủ tịch Kim Jong-un từng tuyên bố nguyên tắc “lấy cứng rắn đáp trả cứng rắn” với Mỹ. Do đó, nhiều khả năng nước này sẽ lên án lệnh cấm vận mới của Mỹ là một chính sách thù địch, và tiếp tục khiêu khích. Trong khi đó, Chính phủ Washington được cho là sẽ khó nhượng bộ Bình Nhưỡng trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đang có chiều hướng giảm, và nước Mỹ sẽ tiến hành bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.

Tin mới nhất