Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên để ngỏ khả năng tái khởi động hoạt động hạt nhân, tên lửa

Tin nổi bật trong tuần2022-01-22

ⓒYONHAP News

Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ cân nhắc nối lại thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sau hơn ba năm tạm ngừng, kể từ năm 2018. Bình Nưỡng đưa ra phản ứng này chỉ một tuần sau khi Mỹ ngày 13/1 vừa qua công bố lệnh cấm vận mới liên quan tới vụ phóng tên lửa đạn đạo của miền Bắc, dấy lên lo ngại căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang hơn nữa trên bán đảo Hàn Quốc.

    

Động thái mới của miền Bắc

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/1 đưa tin Ủy ban trung ương đảng Lao động nước này đã mở cuộc họp lần thứ 6 của Bộ Chính trị đảng Lao động khóa VIII, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Kim Jong-un, thảo luận phương án đối phó với Mỹ và ra quyết định trên.

Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 4/2018, miền Bắc từng tuyên bố phá dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân, dừng thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. KCNA nhấn mạnh tuyên bố này vốn là một biện pháp nhằm xây dựng niềm tin, được Bắc Triều Tiên tiến hành một cách chủ động, tiên quyết. Vậy nhưng bất chấp những nỗ lực và thành ý này của Bình Nhưỡng, Washington vẫn duy trì chính sách thù địch và uy hiếp quân sự, đi tới “giới hạn nguy hiểm”, khiến nước này không thể bỏ qua thêm nữa. Về lệnh cấm vận mới của Mỹ, KNCA gọi đây là một hành vi liều lĩnh, vô cớ nhắm vào hoạt động tự chủ chính đáng của một quốc gia. Nước này lên án việc Washington đã ban hơn 20 lệnh cấm vận đơn phương với nước này.


Bối cảnh

Trước đó, Bắc Triều Tiên lập luận rằng việc nước này tạm dừng các hoạt động hạt nhân, tên lửa là “biện pháp chủ động, thiện chí”, yêu cầu Mỹ có động thái tương ứng, như dỡ bỏ lệnh cấm vận. Nhưng kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội thất bại, cục diện đối thoại giữa hai bên rơi vào bế tắc kéo dài, Bắc Triều Tiên tỏ ra bất mãn sâu sắc vì “không đạt được bất cứ điều gì”. Trong nội dung đưa tin cùng ngày, KCNA nhấn mạnh chừng nào bản chất thù địch là chủ nghĩa đế quốc vẫn còn tồn tại thì các chính sách thù địch với miền Bắc sẽ còn tiếp diễn. Do đó, Bộ Chính trị đã quyết định củng cố hơn nữa “sức mạnh vật chất” để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, phải chuyển sang “hành động thiết thực”. Nội dung này để ngỏ khả năng miền Bắc sẽ sẽ phóng tên lửa ICBM, thay vì chủ yếu là tên lửa đạn đạo tầm ngắn như trong thời gian qua.

Ngay từ đầu năm 2022, Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng tên lửa bội siêu thanh, tuyên bố phát triển thành công loại tên lửa này. Mỹ đáp trả bằng việc ban lệnh trừng phạt mới với các tổ chức, cá nhân liên quan tới phát triển tên lửa của miền Bắc. Đến lượt mình, Bình Nhưỡng một lần nữa đổ thêm dầu vào lửa bằng việc tuyên bố xem xét nối lại hoạt động hạt nhân, tên lửa.


Ý nghĩa và triển vọng

Các động thái của miền Bắc đang đẩy tình hình bán đảo Hàn Quốc đứng trước ngã rẽ mù mịt, nguy cơ quay lại thời kỳ căng thẳng tột độ hồi cuối năm 2017, trước thềm khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc. Khi đó, Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9/2017, rồi phóng tên lửa ICBM vào tháng 11 cùng năm. Tuy nhiên, sang đầu năm 2018, miền Bắc tuyên bố tham dự Olympic PyeongChang, khiến tình hình đột ngột xoay chuyển sang cục diện đối thoại, nối tiếp sau đó là một loạt Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. 

Sau quyết định lần này của Bộ Chính trị miền Bắc, có thể nước này sẽ chưa hành động ngay lập tức. Động thái của Bình Nhưỡng được phân tích là mang nhiều ý đồ khác nhau. Một mặt, nước này muốn đánh lạc hướng quan tâm của người dân khỏi những vấn đề khó khăn trong nước như kinh tế, dịch COVID-19, từ đó củng cố đoàn kết nội bộ. Mặt khác, Bình Nhưỡng muốn Mỹ phải đề cao cảnh giác, trong bối cảnh Chính phủ Tổng thống Joe Biden vẫn đang đẩy vấn đề miền Bắc khỏi thứ tự ưu tiên chính sách. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa ICBM để hoàn thiện sức mạnh hạt nhân, nâng cao vị thế đàm phán với Mỹ sau này.

Tin mới nhất