Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật và vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2018-04-22
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật và vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày từ hôm 17/4 (theo giờ địa phương) tại bang Florida (Mỹ). Như vậy là hoạt động ngoại giao thượng đỉnh giữa các nước lớn đã quay trở lại quỹ đạo vốn có trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe nhấn mạnh sẽ không lặp lại “sai lầm quá khứ” trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên, đồng thời nhất trí sẽ duy trì cấm vận tối đa với miền Bắc cho tới khi nước này giải trừ hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật
Trước tiên, hai nhà lãnh đạo liên tục khẳng định về sự phối hợp vững chắc trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Trước đó, Tokyo lo ngại nước này có thể bị đẩy ra xa khỏi cục diện đối thoại liên Triều và Mỹ-Triều đang được xúc tiến gần đây. Những nỗ lực của Nhật Bản nhằm dập tắt lo ngại trên đã đạt được thành quả trong hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Qua cuộc họp thượng đỉnh này, hai bên đã củng cố quan hệ một cách tốt đẹp, ít nhất là trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục gây sức ép với Thủ tướng Nhật Bản trong vấn đề thương mại song phương.

Sự phối hợp Mỹ-Nhật và cục diện đối thoại
Sự phối hợp giữa Mỹ và Nhật Bản là một yếu tố quan trọng trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc. Dù đối thoại liên Triều, Mỹ-Triều có diễn ra đi chăng nữa thì để thực hiện mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa miền Bắc sẽ không thể thiếu sự hợp tác của các cường quốc láng giềng là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Đó là bởi cần phải có sự đồng thuận của các cường quốc này thì mới có thể củng cố được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, từ đó đạt được hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Dự kiến các hoạt động ngoại giao then chốt trước và sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều sẽ trở thành những sự kiện ngoại giao lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI. Ngoài ra, còn có ý kiến đề cập tới khả năng diễn ra hội nghị ba bên Hàn-Triều-Mỹ. Được biết, Seoul, Bắc Kinh và Tokyo cũng đang thảo luận ý kiến để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật vào đầu tháng 5.

Ý nghĩa và triển vọng
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật vừa rồi, Tổng thống Donald Trump thể hiện quyết tâm tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhưng cũng đồng thời truyền đi thông điệp rằng “ván cờ” có thể bị hủy bất cứ lúc nào. Mặt khác, sau khi cục diện đối thoại Hàn-Triều-Mỹ được triển khai nhanh chóng, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đang tích cực can thiệp vào vấn đề bán đảo Hàn Quốc. Các nước này đều không mong muốn bị đẩy ra xa khỏi những biến chuyển mới trên bán đảo Hàn Quốc trong thời gian tới và sức ảnh hưởng của mình bị thu hẹp đi tại khu vực Đông Bắc Á. Xét một cách rộng hơn, các nước này muốn phản ánh lợi ích của quốc gia trong sự thay đổi đó. Đặc biệt, Nhật Bản coi mối uy hiếp hạt nhân Bắc Triều Tiên đe dọa trực tiếp tới nước này nên Tokyo đặc biệt lo ngại bị đẩy ra xa khỏi vấn đề bán đảo Hàn Quốc. Chính vì vậy mà Thủ tướng Shinzo Abe đã phải “cất công” đến Mỹ trước thềm hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Tới thời điểm hiện tại, vẫn khó để dự đoán những thay đổi nào sẽ diễn ra trên bán đảo Hàn Quốc sau hai hội nghị lịch sử trên.

Tin mới nhất