Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hai miền Nam-Bắc nối lại hợp tác đường sắt sau hơn 10 năm

Tin nổi bật trong tuần2018-07-01
Hai miền Nam-Bắc nối lại hợp tác đường sắt sau hơn 10 năm

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã nhất trí tiến hành điều tra chung để kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt hai nước. Như vậy là hai miền Nam-Bắc đã nối lại hợp tác đường sắt liên Triều sau hơn 10 năm, kể từ lần điều tra đường sắt tại miền Bắc tiến hành vào cuối năm 2007.

Thông cáo báo chí chung về hợp tác đường sắt liên Triều
Sau cuộc họp về hợp tác đường sắt liên Triều vào hôm 26/6, hai bên đã công bố thông cáo báo chí với nội dung nhất trí trên. Trong đó, Seoul và Bình Nhưỡng quyết định sẽ lập nhóm nghiên cứu, điều tra chung để hiện đại hóa tuyến đường sắt Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển Đông, điều tra thực địa đối với đoạn phía miền Bắc của hai tuyến đường sắt này. Theo lịch trình nhất trí, từ trung tuần tháng 7, hai bên sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra chung về đoạn đường sắt kết nối hai miền Nam-Bắc của tuyến đường sắt Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển Đông. Tuyến đường sắt Gyeongui sẽ được kiểm tra đoạn từ ga Munsan (thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi) tới thành phố Gaesung, miền Bắc. Tuyến đường sắt dọc biển Đông là đoạn từ ga Jejin (huyện Goseong, tỉnh Gangwon) tới núi Geumgang, Bắc Triều Tiên. Hai bên sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống tín hiệu, thông tin, và nắm bắt các biện pháp cần thiết tiếp theo. Tiếp đó, hai miền sẽ bắt đầu điều tra thực địa về đoạn đường sắt phía miền Bắc từ ngày 24/7. Phạm vi điều tra là đoạn từ thành phố Gaesung tới thành phố Sinuiju của tuyến đường sắt Gyeongui và đoạn từ núi Geumgang tới sông Duman của tuyến đường sắt dọc biển Đông.

Hai bên quyết định sẽ xúc tiến “hiện đại hóa ở trình độ cao” đối với tuyến đường sắt miền Bắc. Hiện tại, hệ thống đường sắt tại miền Bắc đã quá cũ và lạc hậu, chỉ chạy được chưa đầy 40km/giờ. Do vậy, “hiện đại hóa ở trình độ cao” được phân tích là hai bên sẽ đẩy cao tốc độ và tính an toàn của hệ thống đường sắt Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra, hai bên nhất trí sẽ có các biện pháp cần thiết tiếp theo như xây dựng xung quanh mỗi nhà ga, thiết lập hệ thống tín hiệu, thông tin, tiến hành lễ khởi công trong thời gian sớm nhất để kết nối và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt Nam-Bắc. Về cụm từ “lễ khởi công”, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc giải thích rằng cụm từ này mang tính chất tuyên bố về việc hai bên cùng xúc tiến dự án chung, hơn là mang ý nghĩa khởi công một dự án cụ thể.

Tuyến đường sắt Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển Đông
Tuyến đường sắt Gyeongui nối thủ đô Seoul của Hàn Quốc với thành phố Sinuiju của Bắc Triều Tiên. Hiện tại thủ đô Seoul và thành phố Busan đang được kết nối bằng tuyến đường sắt Gyeongbu. Nếu như tuyến đường sắt Gyeongui được kết nối thì coi như tuyến đường sắt dọc bán đảo Hàn Quốc, đi từ tận cùng phía Đông Nam là thành phố Busan tới tận cùng phía Tây Bắc, sẽ được hoàn thành. Khi đó, tuyến đường sắt này sẽ có thể kết nối với tuyến đường sắt xuyên Trung Quốc (TCR) thông qua thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).

Tuyến đường sắt dọc biển Đông xuất phát từ thành phố Busan đi dọc vùng duyên hải phía Đông, đi qua cảng Najin của miền Bắc tới tận thị trấn Khasan, vùng Viễn Đông, Nga. Nếu được kết nối với tuyến đườngsắt xuyên Xy-bê-ri (TSR) thì toàn bộ đại lục Á-Âu sẽ được kết nối hoàn toàn bằng đường sắt. Ngoài ra, tuyến đường sắt này có thể kết nối với tuyến đường sắt xuyên Mãn Châu (TMR) của Trung Quốc thông qua thị xã Đồ Môn (khu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm). Tuyến đường sắt dọc biển Đông hiện đang bị đứt đoạn từ ga Gangneung tới ga Jejin (tỉnh Gangwon), dài 104 km. Dự kiến trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ sớm triển khai xây dựng để kết nối đoạn đường sắt này.

Ý nghĩa và triển vọng
Nội dung nhất trí lần này của hai miền Nam-Bắc được đánh giá là đã đề ra được kế hoạch hợp tác đường sắt khá cụ thể, với các nội dung hai bên tiến hành kiểm tra trước về các đoạn đường sắt nối giữa hai miền của tuyến đường sắt Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển Đông, sau đó tiến hành điều tra thực địa đối với toàn bộ đoạn đường sắt ở phía miền Bắc. Việc điều tra thực địa là một trong các biện pháp tiên quyết nhất định phải thực hiện trước khi triển khai xây dựng hiện đại hóa đường sắt miền Bắc. Tuy nhiên, dự kiến hai bên sẽ khó đạt được tiến triển một cách nhanh chóng, mà sẽ phải triển khai từng bước một trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn chưa dỡ bỏ cấm vận với miền Bắc như hiện nay. Do vậy, quá trình hợp tác đường sắt liên Triều sẽ phụ thuộc vào tiến triển trong quá trình thực thi các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất