Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ cấm vận 10 ngân hàng Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2017-10-01
Mỹ cấm vận 10 ngân hàng Bắc Triều Tiên

Chính phủ Mỹ hôm 26/9 đã chỉ định cùng một lúc 10 ngân hàng của Bắc Triều Tiên vào danh sách cấm vận. Quyết định này được coi là bước đi sơ bộ nhằm thực hiện Sắc lệnh hành chính số 13810 mà Tổng thống Donald Trump ký trước đó.

Cấm vận ngân hàng miền Bắc
Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày đã đưa tám ngân hàng của miền Bắc vào danh sách cấm vận căn cứ theo Sắc lệnh hành chính số 13810. Đó là Ngân hàng phát triển nông nghiệp, Ngân hàng tín dụng Cheil, Ngân hàng Hana, Ngân hàng phát triển công nghiệp quốc tế, Ngân hàng hợp doanh Jinmyong, Ngân hàng hợp doanh Jinsong, Ngân hàng thương mại Koryo, và Ngân hàng công nghiệp Ryugyong. Ngoài ra, Washington còn liệt vào danh sách cấm vận 26 cá nhân miền Bắc làm việc tại các chi nhánh của các ngân hàng này trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Latvia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Bộ Tài chính Mỹ còn chỉ định hai ngân hàng khác vào danh sách cấm vận là Ngân hàng trung ương và Ngân hàng ngoại thương Bắc Triều Tiên căn cứ theo Sắc lệnh hành chính số 13722 hiện hành. Như vậy, có tổng cộng 10 ngân hàng của miền Bắc bị xếp vào danh sách cấm vận lần này.

Kể từ sau khi ra mắt vào tháng 1 năm nay, Chính phủ Tổng thống Donald Trump đã năm lần công bố biện pháp cấm vận riêng với miền Bắc, với tổng cộng 33 tổ chức và 48 cá nhân nằm trong danh sách đối tượng bị cấm vận. Biện pháp cấm vận lần này là biện pháp thực thi đầu tiên được đưa ra chỉ năm ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký Sắc lệnh hành chính cấm vận riêng với miền Bắc có mức độ gần tương đương với “tẩy chay liên đới”.

Ý nghĩa
Biện pháp cấm vận lần này của Mỹ mang ý nghĩa lớn, là giai đoạn tiền đề để ngăn chặn các tổ chức nước ngoài, trong đó bao gồm các ngân hàng lớn của Trung Quốc, không thể giao dịch với ngân hàng của miền Bắc. Sắc lệnh hành chính số 13810 của Tổng thống Donald Trump có nội dung áp đặt tẩy chay liên đới kiểu I-ran với Bình Nhưỡng, với nội dung là ngăn chặn các cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng của nước thứ ba có giao dịch với Bắc Triều Tiên tiếp cận mạng lưới tài chính của Mỹ. Biện pháp này được đánh giá là nhằm gây sức ép với Trung Quốc và Nga, hai nước vẫn chưa mấy tích cực trong cấm vận với miền Bắc. Nếu Mỹ thực hiện “tẩy chay liên đới” như trên thì các tổ chức tài chính quốc tế có giao dịch với ngân hàng của miền Bắc sẽ không còn cách nào khác là phải ngừng giao dịch với Bình Nhưỡng. Mục tiêu của Mỹ là phong tỏa hoàn toàn con đường thu ngoại tệ được sử dụng cho phát triển hạt nhân, tên lửa của miền Bắc. Trên thực tế, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã giải thích rằng biện pháp này đã giúp Washington tiến gần hơn một bước tới việc ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp cận mạng lưới tài chính quốc tế.

Phản ứng của Hàn Quốc và triển vọng
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 27/9 đánh giá biện pháp cấm vận mà Washington vừa công bố sẽ đóng góp lớn vào nỗ lực chung của hai nước Hàn-Mỹ cũng như của cộng đồng quốc tế trong việc gây sức ép và cấm vận quyết liệt với Bình Nhưỡng, khiến nước này đi theo con đường phi hạt nhân hóa. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết biện pháp lần này của Washington góp phần khiến các nước phải cảnh giác về mối nguy hiểm khi giao dịch với miền Bắc, tăng cường quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc thực thi triệt để nghị quyết của Hội đồng bảo an. Hiệu quả của biện pháp cấm vận được dự đoán là sẽ tương đối lớn. Biện pháp tẩy chay liên đới mà Mỹ từng áp đặt với I-ran ở lĩnh vực tài chính, nhằm ngăn chặn nước này phát triển hạt nhân vào năm 2010 rốt cuộc đã giúp mang lại một thỏa thuận hạt nhân giữa cộng đồng quốc tế và I-ran. Đối với Bắc Triều Tiên, Mỹ từng cấm vận với ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) có trụ sở tại Ma Cao vào năm 2005, tạo được hiệu quả khá lớn. Dư luận kỳ vọng chiến lược lần này của Mỹ sẽ có thể kéo Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đối thoại, đàm phán giải trừ hạt nhân.

Tin mới nhất