Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Tin nổi bật trong tuần2017-12-03
Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Chính phủ Hàn Quốc hôm 29/11 đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên vào rạng sáng cùng ngày, tuyên bố Seoul sẽ đối phó một cách cứng rắn với bất cứ động thái khiêu khích nào của Bình Nhưỡng dựa trên nền tảng trạng thái phòng thủ liên quân Hàn-Mỹ vững chắc.

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết vào lúc 3 giờ 17 phút sáng sớm hôm 29/11, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm xa từ khu vực Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan về vùng biển phía Đông nước này. Tên lửa đã đạt tới độ cao 4.500 km và bay được quãng đường khoảng 960 km, được phỏng đoán là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là tên lửa đạt được độ cao lớn nhất trong số các tên lửa mà miền Bắc đã phóng từ trước tới nay.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) lúc 12 giờ 30 phút trưa cùng ngày đưa tin chính quyền miền Bắc tuyên bố nước này đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 mới được phát triển. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un tuyên bố qua vụ phóng tên lửa lần này, Bình Nhưỡng đã hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia, trở thành một cường quốc tên lửa.

Đánh giá
Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc nhận định tên lửa lần này của miền Bắc là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mỹ và Nhật Bản cũng có đánh giá tương tự. Có nhiều phương thức để tính toán về tầm bắn tối đa của tên lửa, nhưng thông thường, tầm bắn của tên lửa sẽ gấp từ hai tới ba lần độ cao mà tên lửa đạt tới. Theo đó, tầm bắn của tên lửa mà miền Bắc phóng đi lần này có thể đạt từ 9.000 km tới tối đa 13.000 km. Khoảng cách từ bờ biển phía Đông, Bắc Triều Tiên, tới bờ biển phía Tây nước Mỹ là khoảng 8.200 km. Như vậy, tầm bắn của tên lửa Hwasong-15 hoàn toàn có thể tấn công tới bờ Tây nước Mỹ.

Ngoài tầm bắn, để đánh giá Bắc Triều Tiên đã hoàn thiện được tên lửa ICBM hay chưa còn có một tiêu chuẩn quan trọng khác, đó là công nghệ đưa tên lửa quay trở lại bầu khí quyển. Tên lửa ICBM sau khi vượt ra ngoài bầu khí quyển sẽ quay trở lại Trái đất để nhắm vào mục tiêu đã định. Đầu đạn của tên lửa phải không bị phá hủy khi chịu nhiệt độ cao từ 6.000 tới 7.000 độ C phát sinh trong quá trình quay lại bầu khí quyển. Để kiểm chứng công nghệ này, tên lửa phải được phóng theo quỹ đạo thông thường. Tuy nhiên, do Bắc Triều Tiên đã đẩy cao góc bắn của tên lửa, nên các chuyên gia nhận định miền Bắc vẫn chưa đạt được công nghệ này.

Đối phó với triển vọng
Vào hôm 15/9, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12. Tên lửa trên đã bay qua không phận của Nhật Bản rồi rơi xuống biển Bắc Thái Bình Dương. Sau đó, miền Bắc đã dừng khiêu khích trong 75 ngày. Về điều này, có hai luồng ý kiến phỏng đoán, một bên cho rằng Bắc Triều Tiên đang tìm kiếm phương án xoay chuyển cục diện bằng đối thoại, một bên khác cho rằng sự im ắng của nước này là để có thêm thời gian chuẩn bị về mặt kỹ thuật, hoàn thiện sức mạnh hạt nhân. Rốt cuộc, động thái phóng tên lửa vừa rồi đã chứng minh luồng ý kiến thứ hai là đúng.

Liên quân Hàn-Mỹ đã nắm bắt được từ trước các dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa của Bình Nhưỡng để có biện pháp đối phó phù hợp. Chỉ sáu phút sau vụ phóng tên lửa của miền Bắc, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập tấn công chính xác vào mục tiêu trên biển Đông, giả định là điểm xuất phát khiêu khích của quân địch, bằng cách phóng đồng thời các tên lửa đất đối đất, hạm đối đất và không đối đất. Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về phương án phối hợp giữa hai bên.

Qua động thái khiêu khích vừa rồi, Bình Nhưỡng đã chứng tỏ được khả năng tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ. Do vậy, dự kiến Washington sẽ sớm đáp trả quyết liệt bằng các biện pháp cấm vận trên phương diện Liên hợp quốc và các biện pháp cấm vận riêng lẻ của Mỹ, đặc biệt là cấm vận “tẩy chay liên đới”, nhắm vào các cá nhân, tổ chức của nước thứ ba có giao dịch trái phép với Bình Nhưỡng.

Tin mới nhất