Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hội đàm cấp cao liên Triều

Tin nổi bật trong tuần2018-01-14
Hội đàm cấp cao liên Triều

Nhân dịp Hàn Quốc tổ chức Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, hai miền Nam-Bắc đã nhất trí về việc Bắc Triều Tiên cử đoàn vận động viên tới tham dự sự kiện thể thao này tại Hàn Quốc. Ngoài ra, hai bên nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp quân sự liên Triều trong tương lai không xa.

Sau cuộc họp kéo dài 11 tiếng hôm thứ Ba (9/1) tại "Ngôi nhà hòa bình" thuộc Bàn Môn Điếm phía miền Nam, Seoul và Bình Nhưỡng đã thông qua thông cáo báo chí gồm ba nội dung chính.

Nội dung thông cáo báo chí
Cụ thể, Bắc Triều Tiên sẽ cử đoàn thể thao tham dự Olympic Pyeongchang 2018, hai miền nhất trí cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự và cải thiện mối quan hệ liên Triều dựa trên đối thoại bình đẳng.

Về vấn đề tham gia Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018, miền Bắc quyết định cử đoàn đại biểu Ủy ban Olympic Bắc Triều Tiên, đoàn thể thao, đoàn nghệ thuật, nhóm cổ động, đoàn phóng viên cũng như nhóm biểu diễn môn võ Taekwondo tới Olympic Pyeongchang. Miền Nam sẽ tạo điều kiện tốt đa để đảm bảo chuyến thăm tới Hàn Quốc của đoàn đại biểu miền Bắc trong thời gian tham gia Thế vận hội diễn ra tốt đẹp.

Trong cuộc họp này, đại diện hai miền Nam-Bắc cũng đã thống nhất sẽ có các cuộc hội đàm cụ thể về vấn đề cử đoàn khảo sát của Bắc Triều Tiên và các nội dung cụ thể khác liên quan đến việc tham gia của Bình Nhưỡng trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018.

Trong một tài liệu giải thích thêm về cuộc đàm phán này, Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết hai bên cũng đã đề cập đến việc đoàn đại biểu hai nước sẽ cùng tiến vào lễ đài và hai miền sẽ cùng biểu diễn một tiết mục văn hóa trong Lễ khai mạc Thế vận hội.

Ngoài ra, Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí sẽ nỗ lực xoa dịu căng thẳng quân sự trên bán đảo Hàn Quốc và sẽ tổ chức cuộc họp quân sự liên Triều trong thời gian tới. Hai miền quyết định tôn trọng các tuyên bố của đối phương, giải quyết tất cả các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, thúc đẩy việc tiếp xúc, giao lưu hợp tác thông qua các cuộc họp cấp cao và cấp chuyên viên nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thông cáo báo chí cũng cho biết hai miền Nam-Bắc sẽ tiếp tục trao đổi về thời gian, địa điểm tổ chức buổi đàm phán cấp cao lần thứ hai qua kênh thông tin liên lạc tại "Ngôi nhà hòa bình" thuộc Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên, thông cáo này không bao gồm đề xuất của phía Seoul là việc tổ chức đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên vào dịp Tết âm lịch sắp tới.

Quá trình xúc tiến cuộc đàm phán cấp cao liên Triều
Trước đó, trong bài diễn văn chào mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã đề cập đến khả năng Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang và ngỏ ý sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với miền Nam để chuẩn bị cho mục tiêu này. Sau bài diễn văn trên, Chính phủ Hàn Quốc đã chủ động đề nghị hai miền Nam-Bắc tổ chức cuộc hội đàm cấp cao ở “Ngôi nhà hòa bình” Bàn Môn Điếm và Bắc Triều Tiên đã hưởng ứng kế hoạch này.

Đoàn đại biểu phía Hàn Quốc gồm có trưởng đoàn là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun; các đại biểu tiếp theo gồm: Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, Cán bộ thẩm định thuộc Văn phòng Thủ tướng Ahn Moon-hyun, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Roh Tae-kang, Phó chánh văn phòng phụ trách kế hoạch Ủy ban tổ chức Olympic mùa đông Pyeongchang Kim Ki-hong.

Đoàn đại biểu phía Bắc Triều Tiên có người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon; các thành viên còn lại có Phó Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Jon Jong-su, Thứ trưởng Bộ Thể thao Bắc Triều Tiên Won Kil-woo, Giám đốc điều hành Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Hwang Chung-song, Ủy viên Ủy ban Olympic Bắc Triều Tiên Ri Kyong-sik.

Hội đàm cấp cao đã chính thức bắt đầu lúc 10 giờ sáng ngày 9/1, được chia thành nhiều phiên họp khác nhau và kết thúc vào lúc 8 giờ 5 phút tối cùng ngày.

Ý nghĩa và triển vọng
Trong bối cảnh quan hệ Nam-Bắc bị cắt đứt hoàn toàn do những vụ khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên thì cuộc đàm phán cấp cao liên Triều lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, dẫn tới bước đột phá mới trong tiến trình khôi phục quan hệ hai miền.

Có thể nói sự kiện này được xem như một bước khởi đầu tốt đẹp, mở ra triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng và một mặt cũng thể hiện vai trò lãnh đạo, chủ động của Seoul trong vấn đề kiểm soát cục diện chính trị trên bán đảo Hàn Quốc.

Tin mới nhất