Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Các nội dung nhất trí liên Triều liên quan đến Olympic Pyeongchang

Tin nổi bật trong tuần2018-01-21
Các nội dung nhất trí liên Triều liên quan đến Olympic Pyeongchang

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên hôm 17/1 đã mở cuộc họp cấp Thứ trưởng về việc Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang tại “Ngôi nhà hòa bình” thuộc Ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía Hàn Quốc. Hai bên đã thông qua tuyên bố chung với 11 nội dung, trong đó có việc nhất trí sẽ cùng tiến vào lễ đài tại lễ khai mạc Olympic mùa đông Pyeongchang dưới lá cờ bán đảo Hàn Quốc thống nhất và việc hợp nhất đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ.

Các nội dung nhất trí
Ngoài những nội dung trên, hai miền Nam-Bắc nhất trí sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa chung liên Triều ở khu vực núi Geumgang phía miền Bắc trước thềm khai mạc Olympic, mở đợt huấn luyện chung cho cácvận động viên trượt tuyết của hai bên tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong, miền Bắc. Từ ngày 23/1 đến 25/1, đoàn thị sát của Hàn Quốc sẽ được cử đến Bắc Triều Tiên để khảo sát trước tình hình cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, trong nội dung thỏa thuận còn có việc phía miền Bắc nhất trí cử đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo gồm khoảng 30 người tới biểu diễn tại Pyeongchang và Seoul, đoàn cổ động viên có quy mô 230 người tới hợp sức cùng Hàn Quốc, cổ vũ cho đoàn thể thao của hai nước tại Thế vận hội.

Đoàn đại biểu của Ủy ban Olympic Bắc Triều Tiên, đoàn vận động viên, đoàn cổ động viên, đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo, và đoàn phóng viên nước này sẽ nhập cảnh vào Hàn Quốc bằng đường bộGyeongui tại biên giới phía Tây. Đoàn vận động viên nước này sẽ tới Hàn Quốc vào ngày 1/2, trong khi những đoàn còn lại sẽ tới miền Nam vào hôm 7/2. Đoàn thị sát của miền Bắc sẽ tới miền Nam để kiểm tra tình hình cơ sở hạ tầng cần thiết từ ngày 25/1 tới ngày 27/1. Các bộ môn và quy mô tham dự của đoàn thể thao miền Bắc sẽ được quyết định thông qua quá trình thảo luận với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ủy ban Olympic của hai nước. Ngoài ra, phía miền Bắc cũng nhất trí cử hơn 150 người gồm đoàn đại biểu Ủy ban Olympic dành cho người khuyết tật của nước này, đoàn vận động viên, đoàn cổ động viên, đoàn biểu diễn nghệ thuật, các phóng viên tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Pyeongchang.

Hợp nhất đội tuyển thi đấu và cùng tiến vào lễ khai mạc
Đây là lần thứ ba hai miền Nam-Bắc thành lập đội tuyển chung để tham dự một sự kiện thể thao quốc tế, sau lần đầu tiên tại Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1991 và Giải vô địch bóng đá thanh thiếu niên thế giới diễn ra cùng năm. Nhưng đây là lần đầu tiên hai bên hợp nhất đội tuyển thi đấu để tham dự Olympic. Từ trước tới nay, hai miền thường sử dụng lá cờ chung của bán đảo Hàn Quốc và cùng tiến vào lễ khai mạc để thể hiện sự giao lưu và hòa hảo trên phương diện thể thao liên Triều. Lá cờ chung có hình bản đồ bán đảo Hàn Quốc thống nhất màu xanh trên nền trắng, được bắt nguồn từ nội dung nhất trí của hai miền Nam-Bắc về việc hợp nhất đội tuyển thi đấu tham dự Đại hội thể thao châu Á (Á vận hội) tại Bắc Kinh năm 1990. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản và lá cờ trên đã không được sử dụng tại sự kiện thể thao ở Bắc Kinh năm đó.

Lá cờ bán đảo Hàn Quốc thống nhất được sử dụng lần đầu khi đoàn thể thao hai miền hợp nhất để tham dự Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1991. Tiếp đó, lá cờ này cũng đã được sử dụng trong Giải vô địch bóng đá thanh thiếu niên thế giới lần thứ sáu vào tháng 5 cùng năm đó. Sau đó, lá cờ này tiếp tục được sử dụng tổng cộng chín lần, tại hai kỳ Olympic mùa hè là Olympic mùa hè Sydney (Úc) 2000, Olympic mùa hè Athens (Hy Lạp) 2004, và tại Thế vận hội mùa đông Torino (Ý) 2006. Hai miền cũng đã dùng lá cờ chung khi tiến vào lễ khai mạc kỳ Á vận hội mùa hè Busan 2002, Á vận hội mùa đông Aomori (Nhật Bản) 2003, Á vận hội mùa hè Doha (Qatar) 2006, Á vận hội mùa đông Trường Xuân (Trung Quốc) 2007. Ngoài ra, lá cờ này còn xuất hiện tại Đại hội thể thao sinh viên Daegu 2003, Á vận hội mùa đông Macao 2005.

Ý nghĩa
Có thể đánh giá rằng Hàn Quốc đã đạt tới giai đoạn hoàn thiện được mục tiêu là biến Olympic Pyeongchang thành một kỳ Olympic hòa bình. Mặc dù hai bên mới chỉ hợp nhất đội tuyển thi đấu ở nội dung khúc côn cầu trên băng nữ, nhưng bản thân kết quả này đã mang ý nghĩa lớn trong việc mở ra cánh cửa hòa giải liên Triều. Giờ đây, điều dư luận kỳ vọng là hai miền sẽ không chỉ dừng lại ở Olympic Pyeongchang, mà còn hướng tới một mục tiêu lớn hơn là hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

Tin mới nhất