Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

ARF lo ngại sâu sắc về vấn đề tên lửa Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2017-08-13
ARF lo ngại sâu sắc về vấn đề tên lửa Bắc Triều Tiên

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hôm 8/8 đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về các động thái khiêu khích của Bắc Triều Tiên, điển hình là việc nước này phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuyên bố cũng hối thúc chính quyền miền Bắc ngay lập tức phải tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Tuyên bố Chủ tịch ARF
Philippines, nước Chủ tịch Diễn đàn khu vực ASEAN năm nay, hôm 8/8 đã công bố Tuyên bố Chủ tịch ARF, tổng kết thành quả Hội nghị Ngoại trưởng ARF diễn ra vào hôm 7/8 trước đó. Tuyên bố cho biết Bộ trưởng Ngoại giao các nước ARF bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Hàn Quốc sau hai vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên vào hôm 4/7 và 28/7 vừa qua, cũng như một loạt động thái khiêu khích tên lửa đạn đạo khác và hai vụ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc trong năm ngoái. Bộ trưởng các nước hối thúc Bình Nhưỡng phải ngay lập tức tuân thủ một cách toàn diện mọi nghĩa vụ của nước này được quy định trong nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tiếp đó, tuyên bố cho biết một số Bộ trưởng ARF đã tái khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc theo phương thức hòa bình, “một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Các Bộ trưởng còn hối thúc Bắc Triều Tiên kiềm chế khiêu khích, nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là tạo ra một môi trường thuận lợi để đối thoại, giải tỏa căng thẳng. Một số Bộ trưởng còn bày tỏ ủng hộ sáng kiến cải thiện quan hệ liên Triều, hướng tới xây dựng một nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Hàn Quốc, hay còn gọi là Sáng kiến Berlin, của Tổng thống Moon Jae-in. Các Ngoại trưởng cũng thể hiện sự quan tâm tới đề xuất của Trung Quốc và Nga về giải pháp cho vấn đề Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đề xuất Bắc Triều Tiên dừng hoạt động hạt nhân, tên lửa, liên quân Hàn-Mỹ dừng tập trận quân sự chung quy mô lớn, xúc tiến song song phi hạt nhân hóa miền Bắc và thiết lập một thể chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Trong khi đó, Nga nêu ra ý tưởng giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên theo giai đoạn. Dù Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho có tham dự Hội nghị ARF lần này, lập trường của miền Bắc về việc nước này phát triển hạt nhân là để đối phó với các chính sách thù địch của Mỹ đã không được đưa vào nội dung Tuyên bố Chủ tịch ARF.

Bối cảnh và ý nghĩa
Diễn đàn khu vực ASEAN được tổ chức lần đầu vào năm 1994, tiền thân là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước đối thoại (PMC), với mục đích là thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh trong khu vực. Diễn đàn có sự tham gia của 27 nước, trong đó có 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước tham gia vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong đó có Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Đây là một cơ chế thảo luận an ninh đa phương duy nhất trong khu vực có sự tham gia của miền Bắc. Đối với Hàn Quốc, đây là một diễn đàn tương đối trung lập, phản ánh lập trường của các nước tham gia. Nội dung đề cập tới Bắc Triều Tiên trong Tuyên bố Chủ tịch năm nay của ARF được đánh giá là có mức độ khá quyết liệt. Tuyên bố chứng tỏ rằng cộng đồng quốc tế đang tăng cường cô lập Bắc Triều Tiên sau các động thái khiêu khích hạt nhân, tên lửa của nước này. Trong tuyên bố năm ngoái, ARF bày tỏ “lo ngại” về vấn đề hạt nhân, tên lửa miền Bắc thì năm nay đã nâng lên thành “lo ngại sâu sắc”. Ngoài ra, nội dung tuyên bố năm nay còn bổ sung cụm từ “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” thay cho “phi hạt nhân hóa theo phương thức hòa bình” như trong tuyên bố năm trước.

Về điều này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đánh giá nội dung về bán đảo Hàn Quốc trong Tuyên bố Chủ tịch ARF năm nay là rất quyết liệt, phù hợp với lập trường của Chính phủ Hàn Quốc. Ngược lại, Bắc Triều Tiên chỉ trích mạnh mẽ Tuyên bố Chủ tịch ARF, cho rằng nội dung tuyên bố đã đưa ra nhận định sai lệch về bản chất tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Hàn Quốc. Nước này cho rằng các chính sách thù địch của Mỹ với miền Bắc là nguyên nhân căn bản dẫn tới tình hình căng thẳng hiện nay. Sau khi diễn đàn kết thúc, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho đã lặng lẽ quay trở về nước. Diễn đàn ARF năm nay được đánh giá là đã thể hiện quyết tâm cô lập Bắc Triều Tiên của cộng đồng quốc tế.

Tin mới nhất