Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Liên minh châu Âu công bố biện pháp cấm vận mới với Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2017-10-22
Liên minh châu Âu công bố biện pháp cấm vận mới với Bắc Triều Tiên

Vào hôm 16/10, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua dự thảo cấm vận mới với Bắc Triều Tiên có mức độ hết sức quyết liệt, gia tăng sức ép tối đa với Bình Nhưỡng. Dự thảo lần này đặt trọng tâm vào việc ngăn chặn nguồn tiền dùng cho phát triển hạt nhân, tên lửa của miền Bắc như cấm toàn bộ đầu tư sang Bắc Triều Tiên, cấm toàn bộ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu sang miền Bắc, cấm các nước EU cấp mới giấy phép lao động cho người lao động Bắc Triều Tiên.

EU thông qua dự thảo cấm vận mới
Dự thảo cấm vận mới lần này đã được thông qua tại Hội đồng Ngoại giao EU với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao 28 nước thành viên diễn ra tại Lúc-xăm-bua vào hôm 16/10. Liên minh châu Âu tỏ ra rất tích cực trong việc áp đặt cấm vận với miền Bắc. Kể từ sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt với Bình Nhưỡng sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên của Bắc Triều Tiên năm 2006, cho tới nay, Liên minh châu Âu đã và đang thực thi một cách rất triệt để các nghị quyết cấm vận miền Bắc của Liên hợp quốc. Hơn nữa, EU còn thông qua dự thảo nghị quyết cấm vận riêng với nước này, nhằm hoàn thiện nghị quyết của Hội đồng bảo an, tăng cường sức ép với Bình Nhưỡng. Việc EU thông qua dự thảo cấm vận mới với miền Bắc cũng cùng một mục đích là khiến Bắc Triều Tiên giải trừ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, đi vào con đường đối thoại với cộng đồng quốc tế.

Các nội dung cấm vận chính
Trước tiên, dự thảo cấm vận lần này của EU cấm toàn bộ việc đầu tư vào miền Bắc ở tất cả các lĩnh vực. Cho tới nay, EU mới chỉ cấm đầu tư vào miền Bắc ở các ngành công nghiệp liên quan tới vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, hay các lĩnh vực liên quan tới ngành khoáng sản, lọc dầu, hóa học, kim loại, vũ trụ của miền Bắc. Nếu như nghị quyết cấm vận của Liên hợp quốc chỉ hạn chế xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đối với Bình Nhưỡng thì dự thảo lần này của EU cấm toàn bộ việc xuất khẩu các mặt hàng này. Ngoài ra, EU cũng giảm mạnh hạn mức chuyển tiền cá nhân sang Bắc Triều Tiên, từ 15.000 euro giảm xuống còn 5.000 euro.

Mặt khác, các nước thành viên EU nhất trí sẽ không cấp mới giấy phép lao động cho người lao động miền Bắc do lo ngại chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng nguồn ngoại tệ mà người lao động gửi về nước vào phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hiện tại, có khoảng hơn 400 lao động Bắc Triều Tiên đang làm việc tại Ba Lan. Theo dự thảo cấm vận mới, những người này sẽ phải hồi hương khi giấy phép lao động hết hạn, và chính quyền miền Bắc không thể cử nhân lực khác sang thay thế.

Bên cạnh đó, trong dự thảo này, EU bổ sung thêm ba cá nhân và sáu tổ chức có liên quan tới các hoạt động trái phép của Bắc Triều Tiên vào danh sách cấm vận. Những đối tượng này bị cấm du lịch sang châu Âu và bị đóng băng tài sản tại EU. Trong danh sách này, có Bộ Lực lượng vũ trang nhân dân Bắc Triều Tiên, cơ quan tổng chỉ huy quân đội miền Bắc. Theo đó, danh sách cấm vận miền Bắc của EU hiện bao gồm 104 cá nhân và 63 tổ chức, nhiều hơn hẳn so với danh sách cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là 63 cá nhân và 53 tổ chức.

Hiệu quả kỳ vọng
Mặc dù các biện pháp cấm vận trên có mức độ hết sức quyết liệt nhưng do quy mô giao dịch giữa EU và Bắc Triều Tiên không lớn nên dự kiến sẽ không tác động nặng nề tới miền Bắc. Trên thực tế, trong năm ngoái, quy mô giao dịch thương mại giữa EU và Bình Nhưỡng là 27 triệu euro, chỉ bằng một phần mười so với con số là 280 triệu euro vào năm 2006. Đó là bởi quy mô giao dịch thương mại giữa hai bên đã liên tục giảm trong thời gian qua do các biện pháp cấm vận với miền Bắc. Tuy nhiên, dự thảo này được đánh giá là mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Việc EU, dù không liên quan trực tiếp với Bắc Triều Tiên như ba nước Hàn-Mỹ-Nhật hay Liên hợp quốc, nhưng vẫn đang tích cực tăng cường cấm vận với miền Bắc sẽ khiến Bắc Triều Tiên nhận thức rõ nước này đang bị cộng đồng quốc tế gây sức ép ngày một lớn về mặt chính trị, ngoại giao.

Tin mới nhất